Thứ sáu, 08/01/2021,07:36 (GMT+7)
Quảng Trị đẩy mạnh chế biến gỗ xuất khẩu
Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ xuất khẩu đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, trong đó một số mặt hàng gỗ có chất lượng đứng đầu khu vực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương đưa Quảng Trị thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực miền trung, cần có nhiều chính sách phù hợp hơn, tạo đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực được xem là có thế mạnh của địa phương.
Ván gỗ tiêu chuẩn CarbP2 của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đã xuất vào thị trường Mỹ.
 
Sản phẩm chất lượng cao
 
Những ngày này, công nhân của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đang tất bật sản xuất để bảo đảm kịp khối lượng hàng hóa cung cấp cho khách hàng. Công ty đang sản xuất gỗ theo tiêu chuẩn CarbP2. Tổng Giám đốc Công ty Cao Thanh Nam cho biết, CarbP2 được xem là tiêu chuẩn cao nhất dành cho sản phẩm gỗ công nghiệp được Ban kiểm soát tài nguyên không khí của tiểu bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) cấp. Tiêu chuẩn này đòi hỏi một sản phẩm ván gỗ phải đạt được các yếu tố về nguồn nguyên liệu, môi trường sản xuất, quan trọng nhất là nồng độ phoóc-man-đê-hít chứa trong keo phải nhỏ hơn 0.11ppm để sản xuất gỗ công nghiệp an toàn dùng cho nội thất, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Công ty là một trong hai đơn vị ở Việt Nam sản xuất được sản phẩm gỗ theo tiêu chuẩn CarbP2.
 
Ðáng chú ý, kết quả này đạt được chính là nhờ thời gian công ty nghỉ sản xuất để ứng phó dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về chiến lược phát triển, cụ thể đã kịp đề ra phương án chuyển đổi sản xuất hiện đại, phù hợp. Hệ thống máy móc sản xuất được bảo trì, nâng cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng; các kỹ sư, công nhân được nghỉ ngơi có thời gian để đào tạo lại, cập nhật những kiến thức đòi hỏi của thị trường, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Công ty đã tập trung nghiên cứu, sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhờ vậy hạ được giá thành sản xuất, chăm lo tốt đời sống cho gần 400 công nhân, lao động. Ðột phá quan trọng nhất là Ban Giám đốc Công ty quyết định chuyển hướng sản xuất ván gỗ theo tiêu chuẩn CarbP2, liên kết với các nhà xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh tiến vào thị trường Mỹ, giành thắng lợi.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, trong quá trình phát triển, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đã chủ động tham gia thị trường các-bon tự nguyện, góp phần huy động đầu tư xanh; thúc đẩy lĩnh vực chế biến gỗ chuyển đổi theo hướng phát thải thấp cũng như khuyến khích tiêu dùng thân thiện môi trường. Ngoài ra, nguyên liệu chế biến sản phẩm gỗ của công ty được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng FSC (Forest Stewardship Council - bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương) cho nên sản phẩm làm ra được đánh giá cao, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đón nhận, sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu. Không chỉ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, các sản phẩm gỗ của đơn vị đã thay thế được hàng ngoại nhập, góp phần giảm nhập siêu. Trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng hàng nhập từ Thái-lan và các nước trong khu vực để đóng đồ nội thất, bây giờ phần lớn đã tin tưởng, chuyển qua sử dụng ván gỗ tiêu chuẩn CarbP2 được công ty sản xuất.
 
Mô hình điểm trồng rừng bền vững
 
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025 xác định phấn đấu đưa địa phương này trở thành trung tâm chế biến gỗ của miền trung. Mục tiêu chung là thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh trở thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đóng góp lớn trong cơ cấu phát triển công nghiệp; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và nước ngoài; tạo việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu; góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó là quảng bá thương hiệu gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
Với định hướng đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng bền vững, cách đây hơn 5 năm tỉnh đã xây dựng Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp được xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng với thị trường quốc tế thông qua phát triển trồng rừng FSC. Mỗi năm, tỉnh tập trung trồng mới hơn 7.000 ha rừng sản xuất và 1.000 ha rừng phòng hộ theo tiêu chí quản lý bền vững. Ðể làm được việc này tỉnh giao chỉ tiêu và vận động tổ chức, cộng đồng tham gia trồng rừng. Nhìn một tầm xa hơn, việc phát triển rừng FSC làm nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần đánh giá Quảng Trị là mô hình điểm của cả nước về trồng rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC. Cốt lõi của việc chuyển từ trồng rừng theo cách truyền thống sang trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC là chuyển từ sản xuất sản lượng nhiều sang giá trị chất lượng cao; không chỉ sản xuất các mặt hàng lâm nghiệp chúng ta có thể làm được, mà chọn làm các mặt hàng thế giới cần nhất; sản xuất cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất.
 
Tỉnh Quảng Trị đang có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ tập trung ở các địa bàn như TP Ðông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Mới đây, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đến tìm hiểu xây dựng tổ hợp chế biến, xuất khẩu gỗ tại Quảng Trị, phát triển kinh doanh giống cây trồng nuôi cấy mô và hướng đến việc xây dựng trung tâm giống cây trồng nuôi cấy mô để chủ động giống trồng rừng gỗ lớn phục vụ nguyên liệu ngành chế biến gỗ.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển Mỹ Thủy; nạo vét luồng lạch cảng Cửa Việt cũng như quan tâm hệ thống logistics, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành chế biến gỗ phát triển, sớm đưa Quảng Trị thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, nhóm hộ vay vốn dài hạn để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, chuyển sang trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho ngành chế biến gỗ; không ngừng làm tăng giá trị sản phẩm, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
 
Bài và ảnh: Lâm Quang Huy - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu