Chủ nhật, 24/09/2023,06:17 (GMT+7)
Quỹ bình ổn dư đậm, sao không xả kịp thời?
Giá xăng RON95 tăng liên tiếp nhiều kỳ và hiện ở mức cao hơn 3.400 đồng/lít so với đầu năm 2023 nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa sử dụng nguồn quỹ bình ổn đang dồi dào
 
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tính tới ngày 31-7 là hơn 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2022 và là mức cao nhất kể từ quý I/2021. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu liên bộ Công Thương - Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu, chủ động điều hành kịp thời, hiệu quả và sử dụng Quỹ BOG theo đúng quy định.
 
Xả quỹ khiêm tốn nhưng hợp lý?
Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 21-9, giá xăng E5 RON92 tăng 726 đồng/lít, lên 24.197 đồng/lít; xăng RON95 tăng 877 đồng/lít, lên 25.748 đồng/lít. Bên cạnh đó, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu ma-dút cũng đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định chỉ chi quỹ ở mức 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel.
 
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 27 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá. So với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.300 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 3.400 đồng/lít.
 
Quỹ bình ổn dư đậm, sao không xả kịp thời? - Ảnh 1.
Những bất cập trong trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho thấy đã đến lúc loại bỏ quỹ này. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Trong khi đó, mức chi quỹ BOG rất khiêm tốn. Chẳng hạn, trong 3 tháng trở lại đây, tại các kỳ điều hành giá ngày 5-9, 21-8 và 11-8, cơ quan điều hành giá chỉ xả quỹ đối với mặt hàng dầu ma-dút. Kỳ điều hành ngày 1-8 chỉ xả quỹ cho dầu diesel và dầu hỏa. Các kỳ điều hành ngày 21-7 và 11-7 không sử dụng quỹ cho bất cứ mặt hàng nào.
 
Riêng kỳ điều hành ngày 11-9, liên bộ quyết định chi quỹ cho 2 mặt hàng E5 RON92 và RON95 nhưng ở mức rất thấp, lần lượt 22 đồng/lít và 14 đồng/lít.
 
Đáng chú ý, liên bộ Công Thương - Tài chính khẳng định các quyết định trích lập và chi Quỹ BOG thời gian qua đều được thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-9, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long nêu rõ việc sử dụng Quỹ BOG đã được quy định tại Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn khác. Theo đó, cơ quan điều hành giá đã tính toán, cân nhắc kỹ trên cơ sở dự báo giá xăng dầu những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng mạnh nên đã cân nhắc thời điểm xả Quỹ BOG hợp lý. "Với một quyết định sử dụng Quỹ BOG ở mức chỉ vài trăm đồng/lít đối với mỗi mặt hàng xăng, dầu, số dư quỹ sẽ vơi đi rất nhanh. Hơn nữa, so với đầu năm, giá xăng ở thời điểm này đã tăng khá mạnh song nếu so với mức đỉnh vượt mốc 32.000 đồng/lít vào năm 2022 thì giá xăng hiện vẫn thấp" - PGS-TS Ngô Trí Long phân tích.
 
Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, tuy giá xăng dầu tăng liên tục ở các kỳ điều hành vừa qua nhưng không tăng sốc. Do đó, việc trích lập, chi Quỹ BOG đã được cơ quan điều hành cân nhắc, tính toán trên biến động giá thực tế. Mặt khác, so sánh với số dư Quỹ BOG lên đến gần 10.000 tỉ đồng vào năm 2020, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng số dư 7.400 tỉ đồng hiện nay chưa phải quá lớn.
 
"Với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, việc điều hành giá cần tính đến dư địa cho những kỳ điều hành tiếp theo. Việc xả quỹ cũng chỉ giúp kìm giá xăng dầu ở mức độ nhất định, không thể đi ngược hoàn toàn với diễn biến giá trên thị trường thế giới" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bình luận.
 
Chưa phù hợp thực tế
Việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, không chi quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở ở kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở ở kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
 
Đối chiếu với các kỳ điều hành giá gần đây, mức chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề đều dưới 7%. Do đó, việc cơ quan điều hành không sử dụng Quỹ BOG là thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Tuy nhiên, thông tư cũng nêu rõ có thể chi quỹ để giảm bớt đà tăng giá trong trường hợp mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
 
Quỹ bình ổn dư đậm, sao không xả kịp thời? - Ảnh 3.
Đồ họa: CHI PHAN
 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12-2022, CPI tháng 8-2023 đã tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước thì tăng 2,96%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi mức tăng giá xăng dầu đã phản ánh vào chỉ số CPI thì đồng nghĩa đã ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
 
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giá xăng dầu đã tăng liên tục trong những tháng gần đây song các quyết định sử dụng Quỹ BOG chưa thể hiện sự chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. Nhấn mạnh nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu sẽ tác động đến mặt bằng giá của nhiều hàng hóa khác, ông Phú góp ý cần sử dụng Quỹ BOG linh hoạt hơn và phù hợp thực tế hơn.
 
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách), phản ánh chi phí nhiên liệu chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng chi phí hoạt động. Do đó, khi giá xăng dầu tăng liên tục mà doanh nghiệp không thể tăng giá vé thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. "Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Quỹ BOG không được xả để kìm hãm đà tăng giá trong nước thì chưa phát huy được vai trò bình ổn của quỹ này. Chúng tôi mong cơ quan điều hành giá linh hoạt sử dụng công cụ quỹ giúp hạ nhiệt giá xăng trong nước, giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp" - ông Bằng bày tỏ. ]

 

Nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nêu rõ cơ chế hoạt động của Quỹ BOG theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau. Nhìn vào điều hành thực tế, quỹ chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá như mục tiêu đề ra, đồng thời chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Điều này dẫn đến việc trích lập được thực hiện khá tùy hứng, không theo quy tắc cụ thể.

Từ thực tế trên, chuyên gia Phạm Thế Anh đặt vấn đề xem xét bỏ Quỹ BOG. Trong trường hợp duy trì sự tồn tại của quỹ, chỉ nên sử dụng trong những tình huống đặc biệt, khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, phải tính toán sử dụng nguồn hình thành quỹ phù hợp.

Dẫn chứng vụ việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil vừa bị bắt liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỉ đồng Quỹ BOG, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh lưu ý có nhiều bất cập trong quản lý. Cụ thể, mặc dù cơ quan quản lý quyết định việc sử dụng quỹ nhưng doanh nghiệp có nhiệm vụ quản lý quỹ. "Như vậy, cơ chế quản lý tài chính của quỹ đã sai từ gốc. Vụ việc sai phạm trên là một bằng chứng về sự bất cập trong quản lý Quỹ BOG" - TS Vũ Đình Ánh nhận định và đề nghị loại bỏ quỹ này.

 
MINH CHIẾN (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu