Thứ sáu, 09/07/2021,08:01 (GMT+7)
Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công ra ban hành Quy chế làm việc chính thức.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Organ, Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (Ảnh: Quý Hiền).
 
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện. Thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.
 
Cụ thể, chính sách tiền lương thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo gồm: mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề và lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương, bậc lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ Trung ương đến cấp xã). Cùng với đó là tiền lương đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, tổ chức có thuê mướn lao động.
 
Chính sách bảo hiểm xã hội thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
 
Chính sách ưu đãi người có công gồm chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng và chế độ trợ cấp một lần đối với người có công với cách mạng; các chính sách ưu đãi khác đối với người có công. Ngoài ra, còn có giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo; đóng góp ý kiến trực tiếp tại phiên họp hoặc trả lời các văn bản lấy ý kiến do Ban Chỉ đạo gửi đến, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về nội dung, kết quả các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công.
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo được giao chủ trì các nhiệm vụ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đăng ký thời gian trình và báo cáo tiến độ gửi Phó Trưởng ban thường trực để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
 
Các Bộ, cơ quan theo chức năng được phân công xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các nội dung cải cách tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW; có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến Ban Chỉ đạo về các văn bản này trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
 
Ban Chỉ đạo họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp đột xuất khi cần thiết.
 
Kết luận tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo được thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan để thực hiện.
 
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành.
 
XUÂN ĐỨC - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu