Thứ ba, 05/12/2023,09:06 (GMT+7)
Quy hoạch TP Cần Thơ có gì mới?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2-12-2023 phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch TPố Cần Thơ bao gồm toàn bộ TP Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.440,40 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, có 5 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh).
 
Trở thành thành phố phát triển khá ở Châu Á
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
 
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỉ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp - xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%.
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11 - 15%/năm. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
 
Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 80%; bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Quy hoạch TP Cần Thơ có gì mới?- Ảnh 2.
Đến năm 2050, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ
 
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
 
Năm trục động lực kinh tế
Theo hướng phát triển các ngành quan trọng, Cần Thơ phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương.
 
Đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ; đô thị - công nghiệp - cảng - logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp - công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An.
 
Từng bước di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven sông Hậu tạo quỹ đất để phát triển đô thị và các dịch vụ chất lượng cao; di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp.
Quy hoạch TP Cần Thơ có gì mới?- Ảnh 3.
Theo quy hoạch, các dịch vụ được ưu tiên phát triển ở Cần Thơ như: logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao. Ảnh: Internet
 
Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng ĐBSCL; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử, hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng.
 
Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.
 
Liên kết với các cơ sở quốc tế, các doanh nghiệp đào tạo nguồn lực chuyên sâu đáp ứng mục tiêu TP Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng ĐBSCL.
 
Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông - thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Triển khai có hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
 
Quy hoạch TP Cần Thơ có gì mới?- Ảnh 4.
Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô. Ảnh: Internet
 
Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp nguồn lực, phát triển toàn diện mọi mặt của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn.
 
Năm trục động lực kinh tế, gồm: Hai trục ngang (tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong đó, phía Đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía Tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị; tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 920D, với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.
 
Ba trục dọc (dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ĐBSCL).
 

Ba vùng phát triển

Theo phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính, TP Cần Thơ sẽ có 3 vùng phát triển.

Trong đó, vùng thứ nhất gồm: quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL.

Quy hoạch TP Cần Thơ có gì mới?- Ảnh 5.

Huyện Phong Điền nằm trong vùng thứ nhất của 3 vùng phát triển theo quy hoạch. Ảnh: MINH TRUNG

Vùng thứ hai, gồm: phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics.

Vùng thứ ba, gồm: một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới như: chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại.

 
CÔNG TUẤN (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu