Thứ bảy, 15/08/2020,07:15 (GMT+7)
Quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong cải cách hành chính
Qua 10 năm (2011-2020) thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC) đến xây dựng nền hành chính hiện đại, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ. Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần sớm có giải pháp khắc phục.
Cán bộ, công chức Cục Hải quan TP Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ trên môi trường mạng.
Cán bộ, công chức Cục Hải quan TP Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ trên môi trường mạng.
 
Những gam màu sáng
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, công tác kiểm soát TTHC luôn được thành phố quan tâm thực hiện nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ TTHC không cần thiết. Từ đó, cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân. Từ năm 2015 đến tháng 3-2020, thành phố đã rà soát, đánh giá 203 TTHC thuộc 14 lĩnh vực. Qua đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 28 văn bản quy phạm pháp luật với 78 TTHC ở các lĩnh vực. Tỷ lệ cắt giảm TTHC trung bình đạt 16,59% với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 3,5 tỉ đồng. Từ năm 2011, thành phố thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết toàn bộ các TTHC tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, tại tất cả 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn (nay là 83 xã, phường, thị trấn - PV).
 
Ðặc biệt, TP Cần Thơ là đơn vị đầu tiên trong vùng ÐBSCL ký kết thỏa thuận cung cấp dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Ðến nay, Bưu điện TP Cần Thơ đã tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại 65 điểm trên địa bàn thành phố. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc, với mạng truyền số liệu chuyên dùng từ thành phố đến cấp xã. Tất cả  cơ quan có mạng cục bộ (LAN) và tất cả máy tính có kết nối Internet băng thông rộng. Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cho các hệ thống thông tin dùng chung toàn thành phố và các hệ thống thông tin chuyên ngành của các đơn vị.
 
Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho rằng: Ðiểm nổi bật của TP Cần Thơ là đã triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, đưa vào vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã; hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ việc gửi văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Hệ thống Một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ cấp thành phố đến cấp xã (114 cơ quan, đơn vị). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trên hệ thống này đạt trên 95% so với thực tế. Cùng với hệ thống Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
 
Phải “đi” nhanh hơn nữa
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, chỉ số hài lòng về sự phục vụ của người dân tuy đạt theo yêu cầu của Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 (trên 80%), nhưng so với các tỉnh, thành khác, Cần Thơ còn thuộc nhóm có chỉ số thấp. Chỉ số CCHC của thành phố những năm trước đây thường nằm trong tốp 10, nhưng năm 2019 giảm sâu về thứ hạng (xếp thứ 29/63 tỉnh, thành; giảm 23 bậc so với năm 2018). Ðiều này cho thấy các cấp, các ngành có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng lớn đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh của thành phố.
 
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng chỉ số CCHC năm 2019, ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” đối với Cần Thơ xếp vị trí thứ 36 trên cả nước, giảm 31 bậc so với năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ hồ sơ đúng hạn ở các sở, ngành chỉ đạt khoảng 90% (ở các địa phương khác, hầu hết đều đạt từ 95% trở lên). Hồ sơ trễ hẹn nhiều nhất là ở Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2019, trong số 29.236 hồ sơ trễ hẹn của toàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 29.071 hồ sơ, chiếm 99,44%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình trạng này chưa có dấu hiệu cải thiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có số lượng hồ sơ trễ hẹn tương đối lớn, với 9.396 hồ sơ.
 
Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, nguyên nhân tồn đọng hồ sơ quá hạn do các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đất đai còn chồng chéo, bất cập nên trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, Sở phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan, dẫn đến mất nhiều thời gian. Các TTHC về lĩnh vực đất đai rất phức tạp, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, nhưng thời gian giải quyết đối với từng thủ tục ngắn. Nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng, kiêm nhiệm nhiều công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý hồ sơ chưa kịp thời.
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn một số hạn chế. Một số cơ quan chưa quan tâm đến chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (từ năm 2015 đến nay, thành phố có 7 văn bản quy phạm pháp luật của HÐND, UBND thành phố ban hành trái quy định). Ðây cũng là vấn đề bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhắc nhở và yêu cầu các sở, ngành quan tâm, có giải pháp nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức; cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành, lĩnh vực liên quan, hạn chế những sai phạm, sai sót.
 
Bà Võ Thị Hồng Ánh cho rằng còn thiếu đồng bộ giữa các nội dung CCHC. Ðơn cử, nếu tinh giản bộ máy, biên chế thì cần phải hiện đại hóa nền hành chính, đơn giản hóa TTHC để cán bộ xử lý công việc nhanh và hiệu quả hơn. Sở Nội vụ làm đầu mối phối hợp với các ngành đánh giá những tác động từ việc tụt hạng các chỉ số CCHC, ảnh hưởng tình hình kinh tế - xã hội của thành phố như thế nào. Các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt, sâu sát và phải đi nhanh hơn nữa trong công tác CCHC. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2020-2030, đề ra các giải pháp CCHC với lộ trình cụ thể, theo định hướng của Chính phủ và sát với thực tiễn tại địa phương. Các nhiệm vụ CCHC cần gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Bài, ảnh: QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu