Thứ ba, 23/10/2018,09:50 (GMT+7)
Rau sạch vẫn khó bán ở chợ
Dù đã có nhiều HTX rau sạch chuẩn VietGAP thất bại khi mở điểm bán tại chợ nhưng đây vẫn là nơi có người tiêu dùng mua rau nhiều nhất.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh rau sạch mới luôn tìm kiếm những mô hình phù hợp để gia nhập kênh bán hàng truyền thống tại TP HCM.

Sạp rau sạch VietRAT của HTX Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có thể gọi là thành công khi "bám trụ" tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) hơn 2 năm qua. Chủ sạp là chị Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX.

Rau sạch vẫn khó bán ở chợ - Ảnh 1.

Sạp rau VietRAT tại chợ Thị Nghè

Phóng viên tình cờ có mặt tại sạp rau VietRAT vào một buổi sáng đầu tháng 10, dù chưa tới 7 giờ, sạp rau đã vơi hàng, sắp hết. Sạp rau ở bên trong khuôn viên chợ Thị Nghè, cạnh các sạp hàng tươi sống khác với biển hiệu khá khiêm tốn về kích thước nhưng đầy đủ thông tin về địa chỉ vườn rau, số điện thoại để đặt hàng giao tận nơi. Giá bán được niêm yết cố định, ít biến động như các sạp khác. Cụ thể, các loại rau ăn lá 36.000 đồng/kg; bầu, bí, mướp 25.000 đồng/kg; khổ qua, dưa leo 30.000 đồng/kg…

Chị Lan cho biết HTX đã có 2 điểm bán thất bại là chợ Thái Bình (quận 1) do phải thuê lại sạp, chi phí cao và chợ Đa Kao (quận 1) vị trí không thuận tiện nên khách không đến mua. Riêng sạp ở chợ Thị Nghè tồn tại được là nhờ HTX tìm được sạp trống và ký hợp đồng trực tiếp với ban quản lý chợ nên có giá thuê hợp lý.

Theo chị Lan, dù mang tiếng là rau ở tỉnh nhưng vườn rau của HTX chỉ cách chợ Thị Nghè 35 km nên khá thuận tiện, mỗi buổi chợ, chị bán từ 40 - 70 kg rau các loại. Tuy nhiên, lượng rau này chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng HTX cung cấp, còn lại chủ yếu được bán online hoặc giao sỉ.

Trước đó, một dự án khởi nghiệp đã đưa ra mô hình rau sạch ra chợ bằng cách mở cửa hàng nhỏ cạnh các chợ truyền thống nhưng đến cửa hàng thứ 5 thì âm thầm đóng cửa đồng loạt dù lượng khách khá đông. Theo người quản lý dự án, mô hình cửa hàng chuyên rau củ quả rất khó phát triển chuỗi bởi giá trị quá thấp, không đủ trang trải chi phí mặt bằng, quản lý. "Một bó rau muống dù lãi 50% thì cũng chả đáng bao nhiêu nên mô hình này chỉ lãi khi bán sỉ số lượng lớn hoặc bán lẻ quy mô siêu nhỏ theo dạng lấy công làm lời. Người tiêu dùng thích ngồi trên xe máy để mua hàng, không thích gửi xe đi bộ nên rau sạch chịu ế trong cửa hàng để cho rau trôi nổi chiếm lĩnh thị trường" - người quản lý dự án chia sẻ.

Theo ông Đào Văn Đức, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Phước An (TP HCM, chuyên cung cấp rau chuẩn VietGAP), dù biết chợ truyền thống là thị trường lớn, nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thâm nhập được. Cách đây vài năm, HTX này đã mở điểm bán lẻ tại chợ Hòa Bình (quận 5) và điểm bán sỉ tại chợ Bình Điền (quận 8) nhưng không cạnh tranh nổi với hàng chợ. 

Nguồn: Ngọc Ánh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu