Thứ hai, 13/03/2023,11:05 (GMT+7)
Rõ lợi thế để cùng phát triển
Mỗi sáng, những chuyến xe chở thủy hải sản, nông sản từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến TP HCM. Từ đây hàng hóa sẽ tiếp tục xuất đến các cảng xuất khẩu và tỏa đi các chợ, đến từng nhà người dân. Đây là mô hình liên kết kinh doanh cổ điển phản ánh mối quan hệ ĐBSCL - TP HCM từ rất xưa đến tận bây giờ.
 
Mối quan hệ này chặt chẽ theo quá trình hình thành và phát triển vùng đất phía Nam. Sài Gòn - TP HCM có vị trí địa lý thuận lợi nhất, phồn vinh nhất đã sớm làm đầu tàu cho cả vùng. Nhưng trải qua thời gian, nhiều biến động, mối liên kết này đại thể là vận hành như một chiều sản xuất - tiêu thụ mà chưa phát huy hết tiềm năng lớn lao sẵn có của từng địa phương.
 
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, tổng dân số 17 triệu, tiệm cận với TP HCM dân số hơn 10 triệu người thế nhưng sự chênh lệch lại quá lớn, dù điều kiện tự nhiên khá thuận lợi. Đã qua rồi cái thời phát triển kinh tế - xã hội theo cùng mô hình.
 
Tỉnh này xây khu công nghiệp thì tỉnh kia cũng rầm rộ quy hoạch khu công nghiệp; địa phương này mở rộng mô hình cây công nghiệp thì tỉnh khác cũng ồ ạt tuyên truyền đến người dân… Hậu quả của nó vô cùng lớn, không chỉ kìm hãm sự phát triển của địa phương mà còn gạt bỏ luôn lợi thế của từng vùng. Nhiều nơi hoang hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ điều kiện tự nhiên trù phú… nên phải mất nhiều năm để khôi phục.
 
Vấn đề này đã được trung ương nhìn nhận và những năm gần đây ĐBSCL đã được chú trọng đầu tư phát triển cả về văn hóa, giáo dục, kinh tế. Trong bức tranh chung này, TP HCM phải đóng vai trò "anh cả" để vực dậy ĐBSCL và từ đây các tỉnh này thúc đẩy TP HCM sang bước phát triển mới. Các chương trình liên kết trong những năm qua đã mang lại giá trị lớn, như: liên kết du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã nhanh chóng phục hồi ngành này sau dịch COVID-19; liên kết tiêu thụ nông sản đã giúp nhiều vùng mở rộng sản xuất; liên kết các doanh nghiệp đã cải thiện bức tranh xuất khẩu toàn vùng…
 
Hội nghị liên kết TP HCM - ĐBSCL vừa diễn ra nằm trong mục tiêu này. Mục đích lớn nhất là dựa vào lợi thế của từng địa phương để cùng hỗ trợ.
Xây dựng mô hình liên kết bền vững, vực dậy sự lớn mạnh của cả vùng. ĐBSCL là vùng sản xuất nông thủy sản trọng điểm phía Nam. Đổi lại TP HCM vượt trội về công nghệ, y tế, giáo dục, hệ thống cảng xuất khẩu… Đây là điều kiện rất thuận lợi cả hai cùng phát triển.
 
Trong bức tranh vĩ mô, liên kết vùng này nằm trong Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Quốc hội phê duyệt. Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng gồm có: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL. Liên kết vùng, nội vùng là kế hoạch tất yếu để xây dựng quốc gia. Mức độ thành công của nó cho thấy được tầm nhìn và năng lực của bộ máy quản trị từng địa phương, từng vùng và hệ quả của nó chính là nâng mức sống, mức hưởng thụ của người dân. 
 
Hồ Phi (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu