Thứ tư, 22/04/2020,09:28 (GMT+7)
Rót vốn cho nhà ở xã hội
Chính phủ vừa giao Bộ KH-ĐT cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó có 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng quốc doanh, nhằm hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Đây là tin vui cho người dân đang có nhu cầu về nhà ở.
 
Dự án nhà ở xã hội tại 2225 Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Dự án nhà ở xã hội tại 2225 Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
 
Kỳ vọng thêm nguồn cung nhà giá rẻ
 
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc giai đoạn 2011-2020 khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 35.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn… Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chỉ mới xây dựng, bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, mới đạt được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra.
 
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 4-2020 theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.
 
Như vậy, sau gói hỗ trợ cho vay mua và tạo lập nhà ở 30.000 tỷ của Chính phủ kể từ tháng 6-2012 (đã kết thúc vào tháng 5-2016), đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn tiếp theo cho nhà ở xã hội. Mặc dù quy định lãi suất áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là 5%/năm nhưng Nhà nước chưa có thêm gói tài chính nào tương đương gói 30.000 tỷ đồng trước đây, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội. Do đó, thị trường kỳ vọng gói vốn này vừa tạo điều kiện cho người dân lao động mua nhà; đồng thời tạo thêm nguồn cung căn hộ giá rẻ cho thị trường đang khan hiếm, giúp thị trường bất động sản ổn định trong bối cảnh sụt giảm thời gian qua. Hiện điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để làm vốn mồi thực hiện chính sách chung. Đặc biệt, chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp. 
 
Kiến nghị vay tín chấp để mua nhà
 
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong giai đoạn 2017-2019, dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường BĐS gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
 
Theo Luật Nhà ở, hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank được cấp bù lãi suất vay 3% - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Nếu ngân sách cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội. Như vậy, hiện nay, khi Chính phủ đã bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội thì có đến khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng nữa được huy động để cho vay. Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường BĐS phân khúc nhà ở xã hội, vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay, trong khi nhu cầu là rất lớn.
 
Không ít ý kiến cho rằng, 3.000 tỷ đồng tín dụng cho nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước chỉ là “muối bỏ biển”. Chính phủ cần tổ chức hội nghị phát triển nhà ở đảm bảo an sinh xã hội, sau khi dịch Covid-19 qua đi, để tạo cú hích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp có nhu cầu tạo lập căn hộ nhỏ để sống tự lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm, đa phần giới trẻ có thu nhập tăng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà. Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ căn hộ nhỏ ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm. Do vậy, HoREA vừa có văn bản đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét ban hành chính sách “Tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp, để mua nhà. 
 
Minh Huy - (sggp.org.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu