Thứ tư, 13/11/2019,09:49 (GMT+7)
Rước họa vì mua thuốc online
Mua bán trực tuyến thuốc chữa bệnh ngày càng phổ biến trên các trang mạng, từ hàng “nhà tự làm”, sản xuất trong nước đến nhập khẩu, xách tay... Theo các cơ quan chức năng đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi thuốc là mặt hàng đặc biệt, việc tự ý mua - bán có thể gây ra những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.

Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Chẩn đoán, bán thuốc đặc trị… qua mạng

Chỉ một vài thao tác tìm kiếm trên Internet, nhiều nhà thuốc điện tử sẽ hiện ra cung ứng đầy đủ các loại thuốc điều trị, từ bệnh thông thường như chống viêm, giảm đau, hạ sốt, trị ho… đến các loại thuốc đặc trị các bệnh lý phức tạp như ung thư, tim mạch, nội tiết - chuyển hóa, cơ xương khớp.

Từ những loại thuốc giá rẻ chỉ mấy chục ngàn một hộp đến thuốc đắt tiền lên đến hàng triệu đồng. Các trang mạng này đều sẵn sàng cung ứng khi có khách hàng đặt online. Đặc biệt, các loại kháng sinh cũng được rao bán tràn lan, trong khi theo quy định đây là những loại thuốc bắt buộc phải có toa của bác sĩ. 

Gọi điện thoại đặt mua hộp Amoxicillin - một loại kháng sinh khá phổ biến dùng để điều trị các bệnh đường hô hấp, chúng tôi được một “nhà thuốc online” có địa chỉ trên đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú) giao hàng chỉ sau một tiếng đồng hồ. Tương tự, kháng sinh Augmentin cũng mua được dễ dàng qua mạng và giao hàng nhanh mà người bán không hề hỏi về đơn thuốc của bác sĩ ,cũng như không tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng.

Chuyển sang một trang mạng khác có tên trungtamthuoc.com, chúng tôi bị “choáng ngợp” bởi chủng loại cũng như số lượng thuốc được bán online tại đây. Thử đặt mua một hộp thuốc Zlatko 100mg - thuốc đặc trị điều trị tiểu đường type 2 bắt buộc phải có chỉ định điều trị của bác sĩ, chỉ qua một vài thao tác đơn giản, chúng tôi đã đặt hàng thành công. Thử mua tiếp một hộp Osicent 80 - thuốc có tác dụng trong việc điều trị ung thư phổi, giá 6 triệu đồng/hộp, chúng tôi cũng được thông báo sẽ giao hàng tận nơi.  

Không chỉ tự tạo trang web riêng để đăng bán thuốc, giao hàng tận nơi, thuốc chữa bệnh còn được rao bán khá phổ biến như bất kỳ một mặt hàng thông thường nào khác trên các kênh bán lẻ trực tuyến nổi tiếng như Shopee, Lazada, Sendo… Lực lượng kinh doanh online còn rao bán vô số loại thuốc được cho là “hàng xách tay” từ nước ngoài về. 

Coi chừng “tiền mất tật mang”

Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TPHCM), kinh doanh thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra, phải đạt thực hành tốt tiêu chuẩn bán lẻ thuốc (GPP). Trong đó, mỗi nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược, có nhân viên bán thuốc, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình để bảo đảm các hoạt động chuyên môn của nhà thuốc.

Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.  

Việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc và theo quy định của pháp luật, khi nhà thuốc mở cửa thì dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn.

Hiện nay, Luật Dược năm 2016 và các văn bản dưới luật này chưa có quy định các hình thức bán thuốc qua mạng, do đó tất cả những việc chào mời, kinh doanh thuốc qua mạng là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dược sĩ Đỗ Văn Dũng thừa nhận, hiện nay việc kinh doanh thuốc qua mạng vẫn chưa kiểm soát được do những địa chỉ, thông tin trên mạng khi kiểm tra đều là các địa chỉ ảo. Việc tiếp cận được với những tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc qua mạng rất khó, cần sự phối hợp giữa các cơ quan về an ninh mạng, ngành thông tin truyền thông và ngành y tế mới hy vọng tìm ra được.

Trước hết người dân không nên tìm mua thuốc trên mạng, bởi vô cùng nguy hiểm cho chính mình và người thân, do toàn bộ thuốc trên mạng chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào chứng nhận, cấp phép nên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng.

“Người dân cần sử dụng thuốc và mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, đồng thời đến trực tiếp tại các nhà thuốc có chứng nhận GPP để mua thuốc nhằm đảm bảo đây là thuốc đã được kiểm định, được cấp phép lưu hành, đồng thời còn được dược sĩ tư vấn cách sử dụng thuốc an toàn, hợp lý”, dược sĩ Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.

THÀNH SƠN - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu