Sa Pa những ngày này, lặng lẽ trong những cơm mưa mịt mù, dai dẳng của mùa ngâu, cái lặng lẽ nhuốm buồn vì thưa vắng sức sống nhộn nhịp vừa hồi sinh. Dường như “cơn sóng dữ” Covid-19 lần này, như cú đấm bồi, phủ lên Sa Pa nỗi buồn lặng lẽ…
Suốt tuần qua, mưa rả rích, lê thê, ngày thứ 7, bốn phía trắng một màu mưa bụi. Ngớt mưa, hồ Xuân Viên, được ví là “mắt rồng” của Sa Pa như được gột rửa mới tinh khôi, “thở” làn sương mỏng như khói, lảng bảng trên mặt nước trong veo. Phía xa trước mặt là đỉnh Phan Xi Păng ẩn hiện trong mây sớm lúc tỏ lúc mờ, núi Hàm Rồng sừng sững. Sa Pa đẹp thơ mộng, êm đềm, nhưng nếu nhìn dọc con phố Xuân Viên, Cầu Mây, Thạch Sơn, san sát khách sạn, hàng ăn, quán đồ nướng, đồ lưu niệm, tiệm tắm lá thuốc người Dao bản địa, cuối tuần thường du khách “chen vai thích cánh”, nhộn nhịp như phố cổ Hà Nội đến tận đêm khuya, nay vắng lặng thì cũng chạnh buồn…
Hồi đầu năm, cơn sóng dữ Covid-19 tràn đến, khi ấy người Sa Pa bị sốc, khi ngay ở đây, phát hiện hai du khách người Anh bị lây nhiễm, rồi nhanh chóng được chuyển về nơi cách ly, điều trị của trung ương. Khách sạn, nhà hàng, homestay vắng khách, người dân lo ngại, bất an; nhưng khi dỡ bỏ cách ly xã hội thì Sa Pa như chàng thanh niên bật dậy, hồi phục rất nhanh, có lẽ là nhất cả nước. Những ngày cuối tuần nào cũng đông nghìn nghịt khách. Tại ca bin cáp treo ở Ga đi của Khu du lịch cáp treo Sa Pa, những dòng người xếp hàng rồng rắn chờ đợi.
Hôm nay, bên ly café chế theo kiểu Sa Pa, ở phòng khách của Sun World Fansipan Legend, Giám đốc Nguyễn Xuân Chiến tiếc nuối: “Ngay sau dỡ bỏ cách ly xã hội, Cáp treo Sa Pa như một “nam châm” có sức hút cực lớn, du khách trở lại Sa Pa tràn ngập đường phố, lấp kín rất nhanh các khách sạn, nhà hàng; công suất đạt đến 80-85%, ai cũng mừng”. Thế mà “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, con sóng dữ Covid-19 lần thứ hai ập đến, tuy ở khá xa tâm điểm Đà Nẵng mà “rung chấn” của nó dường như lan tỏa, thấm sâu vào vào từng nhà, từng ngõ ngách “thiên đường du lịch” Sa Pa này. Lần này, người Sa Pa không sốc, không ồn ào như trước, mà lặng lẽ buồn, lặng lẽ chấp nhận, tìm cách chung sống và vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ở đầu đường Xuân Viên, khách sạn Mường Thanh chìm trong sương trắng, nhưng vắng lặng. Phó giám đốc khách sạn Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, cơn sóng Covid-19 lần hai đã “thổi bay” của khách sạn 2.500 phòng. Chỉ một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng hồi đầu tháng 7, khách đã liên tiếp hủy phòng, bỏ tua; doanh thu giảm đến 90% so với kỳ này năm trước. Kế hoạch doanh thu tháng 8 là hơn một tỷ đồng, đến giờ chỉ đạt 90 triệu, không đủ trả tiền điện và nước.
Vẻ đượm buồn nhưng giọng nói rắn rỏi, cô chia sẻ: “Chúng em, hơn 30 nhân viên sẽ doàn kết cùng nhau, cùng tự nguyện luân phiên làm việc, giảm công hoãn thưởng, để phục vụ khách, quyết không đóng cửa khách sạn. Tin rằng, hết mưa trời sẽ nắng”. Tôi mong và tin vào điều ấy như cô giám đốc trẻ của khách sạn có 96 phòng, chất lượng ba sao, ở vị trí đắc địa của Sa Pa bốn mùa mây trắng đã và đang lặng lẽ bám trụ từ đầu mùa dịch dã đến nay, không ngơi nghỉ…
Xuôi bước về phía trung tâm thị xã, gần nhà thờ đá nổi tiếng và sân quần vợt cổ còn lại từ thời Pháp, gắn với bao câu chuyện về chợ tình lãng mạn của người Dao đỏ ở đây, đó là nhà hàng Anh Dũng 1, được coi như “trung tâm” ẩm thực bản địa Sa Pa xứ lạnh. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ nhà hàng này đón tôi bằng nụ cười hồn hậu, dù đã đúng trưa rồi mà thưa thớt khách vào. Dịp từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 vừa rồi, khi du lịch Sa Pa hồi phục sau đợt Covid-19 thứ nhất, mỗi buổi trưa hoặc tối, thực khách chen chân, xếp hàng đợi được phục vụ món ăn sạch- ngon- rẻ, với đội ngũ nhân viên tận tình, mến khách.
Nhà hàng này nắm ở vị trí đắc địa nhất Sa Pa, giá đất đắt ngang phố cổ Hà Nội, có hơn 60 bàn ăn, dịp ấy lúc nào cũng kín bàn, với khoảng 500 thực khách. Chị Thảo cho biết rằng, mỗi tháng phải trả tiền thuê nhà hàng là 200 triệu đồng, dịch Covid-19 lần hai vắng hẳn khách ăn, chị phải cắt giảm nhân viên, chỉ duy trì khoảng 10 người (5 nhân viên bếp và 5 nhân viên bàn), doanh thu giảm còn 1/4 so với trước. “Dù vậy, mình vẫn duy trì “bộ khung” của nhà hàng, không để tứ tán nguồn nhân lực nhiều kỹ năng giàu kinh nghiệm, để khi dịch dã qua đi là mình chớp thời cơ hồi phục và tăng tốc nhanh, không bị hụt hơi” - chị tâm sự.
Giữa trưa, nắng đã hửng lên, chiếu những tia sáng xuyên màn sương, trùm lên phố phường Sa Pa một màu vàng rượi, những cây sa mộc bên đường rung tít chòm lá trên cao như bàn tay vẫy, gọi mời. Chị Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng văn hóa và thông tin thị xã Sa Pa thông tin nhanh về ảnh hưởng cơn sóng Covid-19 lần hai: Tổng lượt khách du lịch chỉ đạt khoảng 8%/tuần (trước đây Sa Pa đón khoảng từ 50.000- 60.000 lượt khách/tuần nay giảm xuống còn từ 4.000- 4500 khách/tuần). Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến với Sa Pa là 736.387 khách, bằng 33,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 2.301 tỷ đồng, bằng 37% so với cùng kỳ. Những con số đã nói lên thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch Sa Pa là rất lớn.
Chủ tịch thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc vừa mới từ ngoài tỉnh Lào Cai vào đây nhận chức trách Chủ tịch UBND thị xã, đối mặt với những khó khăn nhất của ngành du lịch địa phương trong thời điểm này. Đã từng làm Chánh văn phòng UBND tỉnh nhiều năm, anh có kinh nghiệm nắm bắt thực tế và “bóc tách” từng vấn đề ưu tiên xử lý, tập trung “giữ lửa” trong từng con người Sa Pa, hệ thống khách sạn, nhà hàng, homestay bản làng, để vừa chống dịch vừa nuôi dưỡng nội lực, vượt qua “gió to, sóng cả” lúc này.
Anh nói về giải pháp tạm thời chuyển hướng nhân lực dư thừa từ du lịch về nông thôn tập trung phát triển nông nghiệp sản xuất rau, hoa quả đặc sản của xứ lạnh, đợi khi du lịch hồi phục sẽ quay trở lại làm việc bình thường. Thị xã và người dân nơi đây đang tận dụng thời gian vắng khách, tu sửa, chỉnh trang nhà cửa, hè phố; chăm sóc cảnh quan, vệ sinh môi trường, làm mới bộ mặt của Sa Pa tươi đẹp.
“Cái vướng nhất bây giờ là làm sao giải quyết nhanh, đưa gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch Covid-19, đó là các thủ tục về xác định đối tượng hỗ trợ, về thuế, nên đề nghị được miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; mở rộng mở rộng các đối tượng là người lao động được hưởng thụ ưu đãi, trợ cấp của Chính phủ”- Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chia sẻ.
Tôi đi xuống phố Cầu Mây, nơi được coi là “cổ” và sầm uất nhất Sa Pa, thấy ở đó hình bóng “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà Văn Nguyễn Thành Long năm nào, với những ngôi nhà cổ, những con người đã gắn bó với Sa Pa bao năm qua. Họ đang lặng lẽ mà khẩn trương, âm thầm mà quyết liệt chiến đấu với dịch, đón đợi bước chân du khách và bè bạn muôn phương ngày tái ngộ tương phùng. Tôi cùng như bao người nhớ và yêu mến Sa Pa, hẹn ngày gặp lại...!