Nhiều kịch bản
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội là một trong các địa phương có đông thí sinh nhất cả nước, nhưng tới thời điểm này đã hoàn tất việc chuẩn bị thi. Sở GD và ĐT Hà Nội đã chủ động tăng cường cán bộ coi thi tại các điểm thi đề phòng tình huống cán bộ coi thi không thể tham gia coi thi, có thí sinh biểu hiện các triệu chứng nhiễm bệnh; kịp thời xử lý các tình huống theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, các điểm thi hướng dẫn thí sinh dự thi và cán bộ làm nhiệm vụ coi thi tự kiểm tra thân nhiệt trước khi đến điểm thi. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và duy trì thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trong khu vực tổ chức kỳ thi, chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, xà-phòng, nước sạch trong suốt kỳ thi. Thành phố đã có phương án đưa thí sinh đến điểm thi cách ly nếu trong quá trình dự thi thí sinh được xác định diện F1: sẵn sàng xe y tế đưa thí sinh diện F1 đến điểm thi cách ly khi được phát hiện trong kỳ thi; có phương án in sao đề thi cho điểm thi cách ly.
Cùng với tinh thần trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Ban Chỉ đạo kỳ thi thành phố đã bố trí các phòng thi cách ly ở 115 điểm thi. Trong trường hợp thí sinh F1 quá đông, địa phương sẽ bố trí trường THCS làm điểm thi dự phòng để khi cần sẽ tổ chức điểm thi riêng để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn. Ngoài ra, tất cả cán bộ tham gia in sao đề thi đều được lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm không lây nhiễm bệnh trước khi vào khu cách ly.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi ở các địa phương cơ bản hoàn tất, bảo đảm đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị tại các điểm thi, địa điểm in sao đề thi và địa điểm chấm thi theo quy định. Tuy nhiên, kỳ thi diễn ra trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều địa phương không khỏi lo lắng. Tại Đắk Lắk, không chỉ ghi nhận có trường hợp mắc Covid-19, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 25 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 10 xã thuộc năm huyện trong tỉnh. Thêm vào đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra đúng vào thời kỳ cao điểm mùa mưa ở Tây Nguyên nên một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh dại, tay - chân - miệng… cũng đang có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, giao thông đi lại tại một số khu vực trong tỉnh, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… còn gặp nhiều khó khăn, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Vấn đề mà địa phương lo lắng nhất hiện nay là toàn tỉnh có đến 1.598 thí sinh tự do, các thí sinh này không chỉ ở trong tỉnh mà nhiều thí sinh có thể đi làm việc, đi ôn thi ở các tỉnh, thành phố khác, không loại trừ các tỉnh đang có dịch Covid-19 nay trở về dự thi tốt nghiệp THPT cho nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành phố Lê Trung Chinh chia sẻ: Đà Nẵng đang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị và người dân đang dồn sức để dập dịch. Trên địa bàn, một số khu vực đã phong tỏa, đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm và tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh và xã hội. Trước tình hình phức tạp khó lường, Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD và ĐT xem xét, Báo cáo Chính phủ dừng thi đối với thí sinh ở Đà Nẵng và xét đặc cách cho thí sinh. Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, đề nghị Bộ GD và ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xem xét trên cơ sở bảo đảm tự chủ đại học, bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh. Tương tự Đà Nẵng, đại diện tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, hiện nay tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội ở thành phố Hội An và bốn huyện trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh đề xuất Bộ GD và ĐT ba phương án thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, phương án 1, tỉnh sẽ tiếp tục chuẩn bị mọi mặt và căn cứ vào tình hình dịch bệnh, nếu đến ngày 6-8, dịch bệnh không bùng phát và được kiểm soát cơ bản, tỉnh sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT như các địa phương khác. Nếu sau ngày 6-8, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, Quảng Nam đề xuất hoãn thi tại địa phương. Phương án 2, Quảng Nam đề xuất cho các thí sinh lùi lại thi sau một tháng, là đầu tháng 9, bằng đề dự phòng. Phương án 3, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quảng Nam đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp, không tổ chức thi.
Phải bảo đảm an toàn cả về sức khỏe
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua kiểm tra thực tế của Bộ GD và ĐT, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia cho thấy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các địa phương được thực hiện chu đáo. Các tỉnh, thành phố đều có chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy hoặc của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức kỳ thi. Tất cả 63 địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, đặc biệt nhiều nơi còn thành lập cả ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện. Nhiệm vụ của các thành viên trong ban chỉ đạo được phân công rõ ràng. Nhiều hoạt động trước kia không có như phòng, chống dịch bệnh, năm nay cũng được triển khai chặt chẽ, chu đáo.
Cho đến nay, cơ bản việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Trong bối cảnh gần đây dịch Covid-19 bùng phát khiến phát sinh nhiều việc, nhất là về tăng cường phòng dịch để bảo đảm kỳ thi không chỉ an toàn về an ninh mà an toàn cả về sức khỏe. Các địa phương tiếp tục rà soát để làm tốt các công việc còn lại của kỳ thi, riêng một số địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, bám sát diễn biến dịch để cùng Bộ GD và ĐT, Bộ Y tế có sự tham mưu với Thủ tướng Chính phủ đưa ra những giải pháp phù hợp liên quan đến kỳ thi.
Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD và ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở GD và ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành bốn nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác để có phương án xử lý phù hợp. Thí sinh thuộc diện F0 phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế nên không thể dự thi, được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định hiện hành. Những thí sinh này nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ GD và ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh. Đối với các thí sinh thuộc diện F1, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho các thí sinh dự thi tại khu vực cách ly hoặc dự thi tại điểm thi riêng phù hợp ở gần khu vực cách ly. Thí sinh thuộc diện F2, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho thí sinh dự thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi hoặc dự thi tại điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương. Đối với thí sinh khác, việc tổ chức kỳ thi diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch. Trong quá trình tổ chức kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi. Bộ GD và ĐT yêu cầu ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chủ động xây dựng phương án hỗ trợ đưa đón thí sinh thuộc diện F1, F2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm các biện pháp như: phun thuốc khử khuẩn, đeo khẩu trang, bố trí đủ nước rửa tay, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi trong các khu vực in sao đề thi, khu vực làm phách, khu vực chấm thi và các điểm thi.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Đến nay, Bộ GD và ĐT đã giao đề thi cho các địa phương. Trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ GD và ĐT cũng chuẩn bị đề thi dự phòng trong các tình huống khác nhau.