Thứ năm, 06/05/2021,18:55 (GMT+7)
Sẵn sàng với nền tảng viễn thông thế hệ mới
Chuyển đổi số với các doanh nghiệp viễn thông, CNTT là xu thế không thể thay đổi, khi đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn doanh thu thay thế cho các dịch vụ truyền thống. Với các doanh nghiệp viễn thông, mạng 5G là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn.
VinaPhone của VNPT là doanh nghiệp đầu tiên triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G ở Việt Nam
VinaPhone của VNPT là doanh nghiệp đầu tiên triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G ở Việt Nam
 
Bài toán doanh thu 
 
Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, mới đây cho biết, hiện nay, dịch vụ thoại vẫn chiếm doanh thu gần một nửa của các nhà mạng. Doanh thu dịch vụ di động của VNPT từ trước đến nay đều năm sau cao hơn năm trước, nhưng năm 2020 không tăng. “Đây là việc đáng báo động trong bức tranh viễn thông của VNPT, cũng như với các nhà mạng khác ở Việt Nam. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai công nghệ mới bởi không có dòng tiền, lợi nhuận để đầu tư phát triển mạng thế hệ mới như 5G”, ông Yên cho hay. 
 
Đó cũng là tình trạng chung của các mạng Viettel và MobiFone. Hầu hết các mạng này trong năm 2020 doanh thu mảng dịch vụ thoại không tăng, hoặc tăng không đáng kể. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ dữ liệu (data) tăng mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay cước data di động ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới, chỉ bằng 30% so với mức cước data của Ấn Độ, quốc gia có mức cước thấp nhất thế giới. Đây là con số rất đáng quan tâm, khi mạng 5G đã hiện hữu ở Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, nhiều nhà mạng đang gặp áp lực về doanh thu với dịch vụ viễn thông thuần túy do các dịch vụ OTT đang dần thay thế dịch vụ thoại, nhắn tin truyền thống. Trong khi dịch vụ internet không tạo ra nhiều lợi nhuận do dịch vụ này ngày càng phổ biến, giá ngày càng giảm.
 
Ông Nhã cho biết, theo một khảo sát từ 64 công ty tại 40 quốc gia, 55,7% doanh nghiệp viễn thông sẽ dần hội tụ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và 8% doanh nghiệp sẽ hoạt động trong lĩnh vực cố định thuần túy. “Doanh nghiệp viễn thông truyền thống cần phải mở rộng mô hình hoạt động, kinh doanh, tạo điều kiện mang lại nguồn thu mới là nhu cầu tất yếu do đòi hỏi của thị trường và bản thân doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi”, ông Nhã nói.
 
Kỳ vọng với 5G
 
Tăng doanh thu từ các dịch vụ viễn thông là vấn đề được các cơ quan quản lý và nhà mạng luôn quan tâm, tìm lời giải để có thể đầu tư vào các mạng thế hệ mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Với nhu cầu cung cấp dịch vụ trong tương lai, Cục Viễn thông đề xuất mạng viễn thông, hạ tầng viễn thông phải phù hợp với xu hướng ảo hóa và hội tụ viễn thông - CNTT.
 
Mạng viễn thông thế hệ mới phải đáp ứng dịch vụ điện toán biên, tương thích AI, kết hợp mạng vệ tinh, hệ thống truyền dẫn tốc độ cao để cung cấp được nhu cầu dịch vụ trong tương lai. Trong đó, mạng 5G được xem là nền tảng để phát triển và tích hợp các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ viễn thông thế hệ mới. Theo dự báo của Ericsson cũng như Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), năm 2025, 5G sẽ chiếm khoảng 20% toàn bộ thuê bao di động thế giới. 
 
Theo các chuyên gia, mạng 5G là công cụ quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Hiểu rõ những thế mạnh cũng như cơ hội, thách thức chuyển đổi số, với nền tảng công nghệ viễn thông thế hệ mới đang được triển khai, Tập đoàn VNPT đã sớm cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G. 
 
Tháng 12-2020, VinaPhone của VNPT đã trở thành nhà mạng đầu tiên được cấp phép phủ sóng 5G thương mại tại Hà Nội và TPHCM. Trải nghiệm thực tế cho thấy, tốc độ của VinaPhone 5G lên đến hơn 1 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0.
 
Từ đó đến nay, VinaPhone liên tục phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật để mở rộng vùng phủ sóng 5G, tăng trải nghiệm cho người dùng một cách tốt nhất. Điều đó, phần nào thể hiện VNPT là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam với mạng lưới và cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng; mạng lưới hoạt động ổn định, an toàn và bảo mật.
 
Việc cung cấp triển khai thử nghiệm dịch vụ công nghệ 5G đang giúp VNPT dần hiện thực hóa các ứng dụng AI, IoT, Robot... cho các thành phố thông minh và các doanh nghiệp. 
 
Công nghệ 5G cũng góp phần đáp ứng các mục tiêu kinh doanh cũng như phát triển kinh tế - xã hội, an toàn an ninh, quốc phòng và dự phòng thảm họa. Lãnh đạo VNPT khẳng định, đơn vị sẵn sàng cung cấp những công nghệ, hạ tầng tốt nhất để triển khai các giải pháp, dịch vụ và sản phẩm viễn thông, CNTT thông minh, thế hệ mới nhất đến các đối tác, khách hàng của mình.
 
QUỲNH LƯU - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu