Thứ tư, 27/06/2018,09:51 (GMT+7)
Sản xuất gắn với tiêu thụ tạo đầu ra cho nông sản
Tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Qua đó, đưa giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt gần 20.500 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Sử dụng phân bón thông minh giúp nông dân giảm giá thành sản xuất

Đáng quan tâm hơn khi người nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, hướng đến việc hình thành sản xuất mang tính bền vững.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật như mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; mô hình điều khiển hệ thống tưới qua điện thoại thông minh; mô hình xây dựng điểm trình diễn 1 phải 5 giảm... góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận cho người dân. Bình quân, giá lúa vụ đông xuân 2017-2018 khoảng 5.850 đồng/kg (lúa khô), cao hơn cùng kỳ từ 650-750 đồng/kg nên lợi nhuận cũng cao hơn từ 10-15 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, có 63 công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích gần 19 ngàn ha, sản lượng tiêu thụ là 160 ngàn tấn được thực hiện tại TX.Hồng Ngự và các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười...

Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ, giúp đầu ra của nông sản ổn định hơn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2017- 2018, diện tích bắp ngọt được tiêu thụ là 100ha với giá thu mua từ 3.800 - 4.000 đồng/kg. Trong vụ hè thu 2018, diện tích bắp được thương lái ký kết với nông dân là 40ha. Ngoài ra, vụ đông xuân 2017-2018 nông dân trồng đậu nành rau được Công ty AntexCO tiêu thụ với diện tích là 7,5ha, giá bán dao động từ 9.300 - 9.500 đồng/kg.

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích cây ăn trái đạt gần 30 ngàn ha, tăng 2.400ha so với cùng kỳ và vượt 2% so với kế hoạch năm. Diện tích các loại cây ăn trái tăng chủ yếu là xoài, nhãn và cây có múi, đồng thời gắn sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ. Đơn cử như sản phẩm quýt đường của Tổ hợp tác (THT) quýt đường Lai Vung, ổi tại THT ổi xã Mỹ Hiệp, chanh của Hợp tác xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh... được Công ty VinEco Tập đoàn VinGroup liên kết tiêu thụ. Đối với ngành hàng xoài, doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ được gần 250 tấn. Trong đó, sản phẩm phục vụ cho thị trường ngoài nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Nga, Ý) là gần 50 tấn.

Hiện nay, tỉnh đang tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp từng bước theo chuỗi sản xuất thực phẩm. Điểm nổi bật trong thời gian qua chính là ngành hàng vịt có nhiều bước phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 6 THT chăn nuôi vịt rọ liên kết với các doanh nghiệp thu mua trứng vịt (Công ty Vĩnh Thành Đạt) và các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi (Công ty CP, Công ty Greenfeed). Mô hình này giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất, chi phí đầu vào thấp, chất lượng trứng tốt hơn. Ngoài ra, giá bán sản phẩm cũng cao hơn từ 150 - 250 đồng/trứng so với giá trứng vịt được nuôi theo kiểu truyền thống.

Thời gian qua, giá các loại thủy sản tăng nên người dân đã mở rộng diện tích nuôi. Cụ thể, giá cá tra thương phẩm liên tục tăng cao, dao động từ 29.000 –32.000 đồng/kg, các hộ nuôi đều có lãi cao dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, toàn tỉnh hiện có 762ha đã được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn, góp phần đưa ngành hàng thế mạnh này của tỉnh phát triển.

Nguồn: Y DU - (baodongthap.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu