Thứ sáu, 15/05/2020,08:20 (GMT+7)
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn
Nhiều nông dân Bến Tre nói riêng, các tỉnh bị ảnh hưởng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có mối quan tâm chung về cây trồng, vật nuôi có thể thích ứng hoặc chịu hạn mặn.
 
Ủ gốc giữ ẩm cho cây sầu riêng trong mùa khô hạn.
Ủ gốc giữ ẩm cho cây sầu riêng trong mùa khô hạn.
 
Hạn mặn gây thiệt hại nặng nề
 
“Mặc dù biết trồng cây nhãn đem lại hiệu quả kinh tế không cao như sầu riêng nhưng tới đây chúng tôi sẽ chọn cây nhãn hoặc cây, con gì khác có tính chịu hạn mặn cao. Tình hình hạn mặn có thể sẽ diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn trong những năm tới. Nên bây giờ, chúng tôi phải tính chuyện trồng cây gì có thể chịu hạn mặn được tốt hơn chứ không còn cách nào khác”, ông Lê Phước Linh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành tâm sự.
 
Khô hạn kéo dài, các ao, mương trong vườn trồng sầu riêng và chôm chôm ở một số xã thuộc huyện Châu Thành và Chợ Lách phải phơi đáy, khô nứt nẻ. 6 công đất trồng cây sầu riêng và chôm chôm của ông Lê Phước Linh đang chết dần. Có phân nửa diện tích cây trồng đã chết. Ông phải đốn hạ bán củi và chuẩn bị mưa xuống sẽ làm đất để trồng thay thế bằng giống nhãn mới, xen chanh lấy ngắn nuôi dài.
 
Không riêng vườn sầu riêng của ông Linh, nhiều nhà vườn trên địa bàn xã Tân Phú mất ăn mất ngủ khi mỗi ngày phải chứng kiến vườn cây trái đang tuổi cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm đang gồng mình chịu hạn dần dần suy kiệt và chết khô.
 
Với 1ha đất trồng cây chôm chôm, nhà vườn có thể thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm; sầu riêng có thể thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nếu như trước đây, diện tích đất trồng cây ăn trái nhiều từng là niềm tự hào của người dân Tân Phú, thì nay đã trở thành mối lo. Thông tin từ UBND xã Tân Phú, toàn xã có trên 1.200ha diện tích đất trồng cây ăn trái đang cho thu hoạch. Đến nay, toàn xã đã có trên 5ha sầu riêng và chôm chôm chết hẳn do thiếu nước, khoảng 80% diện tích cây ăn trái đang đổ lá, có nguy cơ chết dần.
 
Theo báo cáo tác động thiệt hại do hạn mặn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 5-2020, toàn tỉnh có khoảng 20.000ha cây ăn trái, 72.320ha dừa, 1.490ha rau màu, hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng đang có nguy cơ bị thiệt hại do thiếu nước tưới; 721,8ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị thiệt hại dưới 30%; khoảng 1.100 tấn nghêu bị chết, ước giá trị thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng…
 
Nhận diện cây trồng phù hợp
 
Từ đợt hạn mặn kéo dài chưa từng có trong lịch sử cho thấy, Bến Tre đang có nhiều giống cây trồng có thể thích ứng hoặc có tính chịu hạn mặn cao. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khẳng định: Các loại cây có tính chịu hạn mặn cao như: cây dừa, bưởi da xanh, xoài, nhãn, vú sữa, mít…
 
Vườn sầu riêng Tổ hợp tác trồng sầu riêng VietGAP của phụ nữ Tân Phú vẫn đủ sức cho trái thu hoạch trong mùa hạn mặn.
Vườn sầu riêng Tổ hợp tác trồng sầu riêng VietGAP của phụ nữ Tân Phú vẫn đủ sức cho trái thu hoạch trong mùa hạn mặn.
 
Cây xoài tứ quý trồng trên vùng đất giồng cát huyện Thạnh Phú, xoài cát Hòa Lộc trồng ở Bình Đại, là chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực của các huyện biển. Trái xoài cát Hòa Lộc duy trì mức giá khá tốt, giúp nông dân tiếp tục có niềm tin để cải thiện thu nhập, duy trì phát triển kinh tế. Còn trái xoài tứ quý được ưa chuộng ăn sống do đặc tính thơm, giòn, vị ngọt ngọt, chua chua. Hiện nay, cây xoài được nông dân quan tâm chăm sóc theo quy trình VietGAP, bao trái, sử dụng phân hữu cơ.
 
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2015-2016, đợt hạn mặn năm nay, nhà vườn đã biết cách tủ gốc bưởi da xanh, không tưới nước mặn và cắt bỏ bớt hoa, trái non để dưỡng sức cho cây. Mặc dù chịu hạn kéo dài từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, các vườn vẫn còn khả năng duy trì sức sống cho cây trồng. Nhà vườn có thể cho nước vào mương vườn nhằm giữ nước cho rễ chân của cây. Để đảm bảo cho cây có thể đủ sức chịu đựng trong thời gian tới, nhà vườn mua nước ngọt về tưới giải hạn.
 
Với cây nhãn xuồng, mặc dù được bao bọc xung quanh là nước có độ mặn bình quân 8%o, có lúc lên đến 18%o, nông dân đành để vườn chịu hạn kéo dài đến nay.
 
 Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, tình hình hạn mặn năm 2019-2020 là dấu hiệu bất thường do biến đổi khí hậu. Vì thế, hiện nay, người dân cần bình tĩnh, không quá vội vàng. Trước hết, nông dân cần quan tâm giải pháp trữ nước ngọt từ thiên nhiên để đủ phục vụ sản xuất trong mùa hạn mặn. Cùng với đó là các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng mùa hạn mặn đã khuyến cáo, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm…Ngay sau khi phục hồi vườn cây, nhà vườn cần chủ động tính tới khả năng thích ứng trong mùa tới và giải pháp đồng bộ. Riêng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần được tính toán cụ thể.
 
Tỉnh đặc biệt khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho rằng: Về lâu dài, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm, như: các công trình của Dự án JICA 3; các hạng mục còn lại của Dự án Nam - Bắc Bến Tre, nhất là gia cố hệ thống đê ven sông; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
 
Nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để đảm bảo đủ nước ngọt trong thời gian tới; đầu tư, mở rộng tuyến ống dẫn nước thô về các nhà máy nước, cũng như đường ống để hòa mạng, bổ cấp nước sạch cho các nhà máy không có nguồn nước ngọt; nghiên cứu xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp.
 
Đề nghị các doanh nghiệp cung cấp nước đầu tư thêm hệ thống lọc nước RO, có giải pháp tích trữ nước ngọt, lắp đặt đường ống để vận chuyển nước ngọt về nhà máy trong mùa hạn mặn...
 
Bài, ảnh: Cẩm Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim  Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu