Thứ năm, 09/01/2020,20:47 (GMT+7)
Sản xuất sạch để đưa nhãn xuất ngoại
Những năm gần đây, huyện Châu Phú (An Giang) đang đẩy mạnh phát triển mô hình trồng nhãn xuồng theo hướng hữu cơ, chú trọng bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững thị trường trong nước, đồng thời, mở cánh cửa xuất khẩu.
 
Khánh Hòa đang là xã có diện tích nhãn xuồng lớn nhất huyện Châu Phú với gần 80 ha. Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm, xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) Nhãn xuồng Khánh Hòa, với 25 hộ thành viên.
 
Thúc đẩy sản xuất
Ngay khi thành lập, THT Nhãn xuồng Khánh Hòa đã trở thành đơn vị đầu tàu trong sản xuất, tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng đến việc đăng ký mã vạch cho sản phẩm.
 
Ông Lê Trần Minh Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú, cho biết: “THT đang sản xuất trên tổng diện tích 25 ha. Trong quá trình sản xuất, các thành viên tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch, không sử sụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sự phát triển bền vững”.
 
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, bảo đảm điều kiện về môi trường, vệ sinh thực phẩm, tháng 8/2019, THT được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang chứng nhận là cơ sở “Đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất sản phẩm” và cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc.
 
Bên cạnh sự thành lập của THT, để thúc đẩy mô hình, xã Khánh Hòa đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng huyện để từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao, với quy mô trên 170 ha, mở ra hướng phát triển theo hướng hiện đại cho người dân.
 
Tương tự, xã Mỹ Đức cũng đang lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình trồng nhãn xuồng phát triển. Vào cuối tháng 6/2019, đã có 10 hộ trồng nhãn trên địa bàn xã được hỗ trợ vốn từ Dự án trồng và chăm sóc nhãn xuồng Mỹ Đức, với tổng số tiền 400 triệu đồng.
 
Đại diện UBND xã cho biết với hơn 15 ha, Mỹ Đức là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều thứ 2 của huyện. Các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất theo hướng khoa học, nâng cao hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy nông nghiệp địa phương.
 
Nhãn xuồng ở Châu Phú đang được thúc đẩy theo hướng hữu cơ
Nhãn xuồng ở Châu Phú đang được thúc đẩy theo hướng hữu cơ
 
Nâng tầm thương hiệu
Bên cạnh thúc đẩy sản xuất, mở rộng quy mô, Châu Phú cũng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề khôi phục các giống nhãn đầu dòng chất lượng cao tại các địa phương, trong đó, “nhãn Mỹ Đức” đang được đầu tư để trở thành thương hiệu nhãn hàng đầu của tỉnh An Giang, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
 
Ông Nguyễn Văn Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, cho hay bằng cách phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, tỉnh đã nghiên cứu, bước đầu tạo ra được 120 cây nhãn giống có đặc tính nổi trội về năng suất, chất lượng và đang được tính toán nhân rộng.
 
Những chính sách hỗ trợ đồng bộ từ mở rộng quy mô đến phát triển các giống nhãn quý giúp thương hiệu nhãn Châu Phú, đặc biệt là nhãn trồng ở Khánh Hòa và Mỹ Đức, ngày càng được nâng cao, sức cạnh tranh mạnh, chiếm lĩnh thị trường nhiều tỉnh, thành phía Nam.
 
Theo người dân địa phương, những năm qua, nhờ chất lượng vượt trội, nhãn xuồng có thị trường rất ổn định. Vào chính vụ, giá duy trì ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, thời điểm hút hàng (đầu vụ, cuối vụ), giá nhãn có thể tăng lên 75.000 - 85.000 đồng/kg, cung không đủ cầu.
 
Ông Trần Nghi Bình (xã Mỹ Đức) cho hay giống nhãn xuồng có đặc tính dễ trồng, trái cho cùi vàng, dày, vị ngọt thanh, trái to, vỏ dày, màu sắc đặc trưng, tỷ lệ thịt trái vượt trội so với nhãn trồng ở những vùng đất khác. Năng suất ổn định, cây 8 - 10 năm tuổi có năng suất trung bình 150 - 200 kg/ cây/năm.
 
“Việc dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên nên các hộ sản xuất không cần sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, từ lúc ra hoa đến khi đậu trái, người trồng chỉ cần xịt thuốc dưỡng đặc dụng, góp phần tích cực đến giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Bình nhấn mạnh.
 
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu