Các nhà thiên văn học cho biết, sự gần nhau giữa hai hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời không phải là đặc biệt hiếm. Sao Mộc đi qua sao Thổ hàng xóm của nó trong các vòng quay tương ứng của chúng quanh mặt trời cứ 20 năm một lần.
Nhưng đêm 21-12 sắp tới chúng đặc biệt gần nhau: sao Mộc và sao Thổ sẽ chỉ cách nhau một phần mười độ so với góc nhìn của chúng ta hoặc khoảng một phần năm chiều rộng của mặt trăng tròn.
Nếu thời tiết cho phép, hiện tượng này có thể dễ dàng nhìn thấy trên khắp thế giới sau khi mặt trời lặn một lúc.
Hiện tượng này diễn ra vào ngày đông chí ở Bắc bán cầu, ngày có đêm dài nhất trong năm và hạ chí ở Nam bán cầu, lại đúng vào thời điểm Giáng sinh, hứa hẹn sẽ là một trong những màn kết hợp thú vị.
Giáo sư thiên văn học David Weintraubm, Đại học Vanderbilt cho biết: “Điều hiếm gặp nhất là sự “hợp nhất” này xảy ra trên bầu trời ban đêm. Một sự kiện như vậy thường có thể xảy ra chỉ một lần trong đời của bất kỳ người nào và tôi nghĩ “một lần trong đời” là một hiện tượng hiếm đáng để thưởng ngoạn”.
Đêm hôm tới sẽ là lần cặp sao Mộc-sao Thổ gần nhất kể từ tháng 7-1623. Tuy nhiên, lần đó, sự kết hợp này hầu như không thể nhìn thấy vì nó nằm gần mặt trời.
Gần hơn đáng kể và nhìn rõ ràng nhất là sự hợp nhất vào tháng 3-1226 của hai hành tinh. Sự gặp gỡ của hai ngôi sao này vào đếm 21-12 tới sẽ gần nhất được nhìn thấy kể từ thời điểm đó.
Sao Thổ và sao Mộc đã xích lại gần nhau hơn trên bầu trời phía Nam Tây Nam trong nhiều tuần qua. Sao Mộc lớn hơn và gần Trái đất hơn nên sáng hơn rất nhiều.
Nhà thiên văn học Virginia Tech Nahum Arav viết trong một email: “Tôi thích nhìn chúng tiến lại gần nhau và thực tế là tôi có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường từ hiên sau nhà mình!”.
Để quan sát hiện tượng này, ngay sau khi mặt trời lặn vào thứ Hai, ngày 21-12, hãy nhìn thấp về đường chân trời hướng tây nam. Sao Thổ sẽ là đốm màu nhỏ hơn, mờ hơn ở phía trên bên phải của sao Mộc. Nếu muốn nhìn tách bạch được hai ngôi sao thì phải quan sát bằng ống nhòm.
Lần “hợp nhất” tiếp theo của hai ngôi sao là vào ngày 15-3-2080.