Chủ nhật, 23/05/2021,07:27 (GMT+7)
Sau chiến tranh, Nga và Iran được lợi gì ở Syria?
Trong bối cảnh chiến sự kết thúc trên phần lớn lãnh thổ Syria, 2 nước ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là Nga và Iran đã và đang ra sức tranh giành ảnh hưởng, thu gom "chiến lợi phẩm".
Tổng thống Syria al-Assad (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm một nhà thờ Cơ đốc giáo tại Damascus đầu năm 2020. Ảnh: Reuters
 
Cạnh tranh trên mọi mặt trận
 
Cả Iran và Nga đều muốn ngôn ngữ của mình là tiếng Ba Tư (Farsi) và tiếng Nga được giảng dạy trong các trường học ở Syria. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va đã đánh bại Tehran, giúp tiếng Nga thay thế tiếng Pháp, trở thành ngôn ngữ giảng dạy thứ hai tại các trường học ở Syria. Dẫu vậy, Iran vẫn không nhúng nhường, tiếp tục thúc đẩy để tiếng Ba Tư được giảng dạy tại nhiều trường học ở Syria. Năm ngoái, khi Iran ký kết một thỏa thuận nhằm giúp Syria xây dựng lại trường học, Bộ trưởng Giáo dục Iran Mohsen Haji-Mirzaei một lần nữa nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đưa tiếng Ba Tư vào hệ thống giáo dục của Syria”. Ðến nay, Iran đã tổ chức các khóa học tiếng Ba Tư tại một số trường học mà nước này đã giúp sửa chữa hoặc xây dựng ở Syria. Ðặc biệt, một số trường học ở các tỉnh Raqqa và Deir Ezzor còn bổ sung tiếng Ba Tư vào các chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Hiện một số người dân Syria cho biết điều tương tự sẽ xảy ra tại thành phố Aleppo, nơi Iran có kế hoạch mở lãnh sự quán.
 
Ðáng chú ý, cả 2 nước đều ký hợp đồng xây dựng các nhà máy sản xuất bột mì tại Syria trong bối cảnh nước này rơi vào tình trạng thiếu bánh mì trầm trọng, sau khi các nhà máy bị phá hủy trong các đợt giao tranh và các cánh đồng lúa mì bị hủy hoại do hạn hán hoặc do tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đốt phá. Hãng thông tấn nhà nước Syria cho biết, nhà máy sản xuất bột mì đầu tiên trong số 5 nhà máy do Iran đổ vốn đầu tư đã hoạt động cách đây 2 năm. Về phần mình, một công ty Nga hồi năm 2017 thông báo đã giành được hợp đồng trị giá gần 84 triệu USD để xây dựng 4 nhà máy ở tỉnh Homs. Mặt khác, Nga cũng thúc đẩy xuất khẩu lúa mì trực tiếp sang Syria. Trong giai đoạn 2017-2019, Nga mỗi năm xuất sang Syria hơn 1 triệu tấn lúa mì.
 
Ngoài ra, cả Iran và Nga cũng đều đang xây dựng các nhà máy điện ở Syria. Jihad Yazigi, chủ biên bản tin kinh doanh Syria Report, cho biết cả Iran và Nga đều đang tranh giành các hợp đồng khai thác dầu, phốt phát và xây dựng cảng trị giá hàng triệu USD tại quốc gia chìm trong nội chiến này. “Họ đang nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực giống nhau mặc dù họ không đạt được thành công như nhau” - ông Yazigi nhận định.
 
Cạnh tranh Nga - Iran đôi khi cũng mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao. Hồi tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã chọn Iran là điểm đến quốc tế đầu tiên của mình. Nói về sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết ông Mekdad đã có ý định thăm Nga nhưng đã bị hoãn lại do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có lịch trình “bận rộn”. Nga cũng đang tìm cách giúp Syria xây dựng lại quan hệ với thế giới Arab.
 
Nga chiếm ưu thế
 
Nga dường như chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cạnh tranh nói trên. Chẳng hạn, Mát-xcơ-va giành tới 5 hợp đồng khai thác dầu tại Syria trong giai đoạn 2013-2020, trong khi Tehran đến tận năm ngoái mới thành công giành lấy hợp đồng khai thác dầu đầu tiên tại quốc gia Trung Ðông này. Năm 2019, Nga còn ký với Syria hợp đồng thuê cảng Tartus, nơi hải quân Nga đặt căn cứ, trong vòng nửa thế kỷ nhằm nâng ảnh hưởng của Nga ở Ðịa Trung Hải. Trong khi đó, Iran tuyên bố đã nối lại kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ Tehran qua nước láng giềng Iraq đến Syria.
 
Ban đầu, Syria cũng cam kết ký với Iran hợp đồng khai thác phốt phát nhưng vào năm 2018 đã đổi ý, trao hợp đồng này cho một công ty của Nga, nơi sẽ nhận được 70% doanh thu từ lượng phốt phát được khai thác trong vòng 50 năm. “Iran luôn cảm thấy rằng những gì mà họ nhận lại không tương xứng với những gì mà họ bỏ ra dành cho Syria, cả về quân sự lẫn kinh tế. Iran đã hỗ trợ về kinh tế nhiều hơn cho Syria nhưng những lợi ích kinh tế mà Syria dành cho Nga nhiều hơn cho Iran” - ông Yazigi nói.
 
Theo tờ Bưu điện Washington, Iran bắt đầu hỗ trợ về quân sự cho Tổng thống al-Assad hồi đầu năm 2012 khi các tay súng phe đối lập Syria đứng lên chống lại chính phủ. Iran đã điều động binh lính từ lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng như lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn từ Iraq và Lebanon cùng với hàng ngàn tay súng người Hồi giáo dòng Shiite ở Afghanistan. Kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra, Iran đã cho Syria vay hơn 7 tỉ USD, cứu chính quyền al-Assad khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Ðổi lại, Iran được quyền sử dụng 5.000 héc-ta đất nông nghiệp của Syria trong ít nhất 5 năm, khai thác các mỏ phốt phát ở phía Nam thành phố cổ Palmyra và kiểm soát các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động.
 
Mặc dù tham chiến muộn hơn nhưng sự can thiệp của Nga hồi năm 2015 đã mang lại kết quả tích cực, làm thay đổi cục diện cuộc chiến vào thời điểm chính quyền al-Assad rơi vào tình thế nguy hiểm. Các chiến đấu cơ của Nga đã yểm trợ trên không cho lực lượng quân đội Syria và đồng minh, đồng thời trực tiếp thực hiện các cuộc tấn công vào các khu vực do phe đối lập trấn giữ, giúp đánh lùi phiến quân.
 
 Syria trong lịch sử có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga hơn là với Iran,  nhưng Iran đã tìm cách chiếm lĩnh một phần thị trường Syria. Các thiết bị điện tử và thuốc men của Iran xuất hiện ngày càng nhiều tại Syria. Tại miền Đông Syria và thủ đô Damascus, Iran đã cho xây dựng một khu phức hợp giải trí mới cũng như nhiều trung tâm văn hóa, tổ chức các sự kiện quan trọng. Mặt khác, Iran cũng đang xây dựng trung tâm thương mại 12 tầng ở trung tâm Damascus, nơi 24 công ty Iran sẽ đặt trụ sở.  
 
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu