Thứ sáu, 25/01/2019,09:18 (GMT+7)
Sau sự kiện phóng MicroDragon, Việt Nam đứng top đầu ASEAN về công nghệ vũ trụ
Với việc phóng thành công vệ tinh MicroDragon lên vũ trụ sáng 18/1/2019, Việt Nam đang đứng trong top đầu ASEAN về công nghệ vệ tinh. Nếu thực hiện đúng lộ trình Dự án Trung tâm Vũ trụ, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu khu vực.

Ngày 18/1, vệ tinh MicroDragon đã được tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản phóng vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Đây là sự kiện lớn, thể hiện bước ngoặt quan trọng của ngành khoa học vũ trụ Việt Nam.

Chia sẻ về sự kiện phóng vệ tinh MicroDragon, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nói, sự kiện cho thấy, khi chúng ta hợp tác với các quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ vũ trụ, chúng ta có thể học hỏi, từng bước làm chủ để tiến tới tự phát triển vệ tinh cỡ nhỏ cho riêng mình.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam đánh giá, việc thiết kế chế tạo thành công MicroDragon là một bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh.

Cuộc sống số - Sau sự kiện phóng MicroDragon, Việt Nam đứng top đầu ASEAN về công nghệ vũ trụ

Những kỹ sư Việt Nam chế tạo vệ tinh MicroDragon.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhận định, công nghệ vũ trụ là biểu tượng sức mạnh công nghệ cao của mỗi quốc gia. Cuộc chạy đua vươn lên bầu trời là nơi các quốc gia thể hiện sức mạnh công nghệ, tiềm lực quốc gia của mình. Vì thế, việc phát triển công nghệ vũ trụ mà trước tiên là làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh hết sức quan trọng. Hiện nay, mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau, có nước tập trung vào việc mua ảnh dữ liệu vệ tinh của các nước khác, có quốc gia từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ. Việt Nam tiếp cận theo hướng thứ 2, giống như cách tiếp cận của Singapore, Malaysia hay Indonesia dù đây là hướng đi đòi hỏi thời gian, sự đầu tư và nhiều thử thách.

Ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hằng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% – 10 %  tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.

Để làm chủ công nghệ vệ tinh, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1 và LOTUSat-2). Cụ thể, năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo được phóng và hoạt động tương đối ổn định 3 tháng trên vũ trụ. Cũng trong năm 2013, các kỹ sư Việt Nam bắt tay vào thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon có khối lượng 50kg, hợp phần của dự án đào tạo 36 thạc sỹ hàng không vũ trụ Việt Nam ở Nhật Bản. Một vệ tinh khác là NanoDragon (khối lượng 10kg) cũng đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, phát triển, dự kiến phóng lên vũ trụ vào năm 2020.

Cuộc sống số - Sau sự kiện phóng MicroDragon, Việt Nam đứng top đầu ASEAN về công nghệ vũ trụ (Hình 2).

Vị trí vệ tinh MicroDragon khi thực hiện chụp ảnh thử nghiệm lần đầu tiên ở độ cao khoảng 512km trên bầu trời nước Mỹ.

Sau PicoDragon, MicroDragon, NanoDragon, những vệ tinh mang tính đào tạo, Việt Nam sẽ tiến tới chế tạo vệ tinh có giá trị cao là LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Hai vệ tinh này có khối lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Đến LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Sau LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Theo Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020 do Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất; làm chủ công nghệ và kỹ thuật tên lửa; đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ.

Trải qua chặng đường đầu tiên, Việt Nam đang ở Top 4 nước ASEAN về công nghệ vệ tinh, chỉ sau Singapore, Malaysia và Indonesia. Theo PGS Phạm Anh Tuấn, Việt Nam không thua những quốc gia này về công nghệ và trình độ nhân lực song hạ tầng của ta chưa sánh bằng. Hiện nay toàn bộ quá trình tích hợp, thử nghiệm vệ tinh vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Việc lưu trữ và xử lý dữ liệu ảnh cũng còn hạn chế. “Nếu được đầu tư hạ tầng đầy đủ, việc đào tạo cán bộ trong tương lai có thể thực hiện ngay ở Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Chiều 21/1/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt, biểu dương các kỹ sư trẻ chế tạo vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Tại đây, Thủ tướng biểu dương các kỹ sư trẻ chế tạo vệ tinh MicroDragon của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và bày tỏ hy vọng “các bạn trẻ, lứa tuổi 30 ở đây tiếp nối tinh thần dám đương đầu với thử thách công nghệ, để góp phần làm cho hình ảnh Rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ thế giới”.

Nguồn: Đình Văn - (nguoiduatin.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu