Thứ tư, 13/02/2019,10:13 (GMT+7)
Sau Tết, thị trường ổn định
Sức mua các mặt hàng thiết yếu ở TP HCM trong những ngày Tết tăng 15%-20% so với ngày thường

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp (DN), thị trường Tết năm nay đặc biệt sôi động trong 2 ngày 28 và 29 tháng chạp. Trước đó, nhiều DN lo ngại ra Tết phải rút hàng về bởi sức mua chỉ bằng 70%-80% so với cùng kỳ Tết 2018.

Doanh nghiệp "thắng" nhờ giờ chót

Cụ thể, sức mua bắt đầu tăng sau ngày 23 tháng chạp. Hàng hóa mua sắm chủ yếu tập trung vào các loại hàng tiêu dùng thiết yếu và phục vụ Tết như: bánh, mứt, bia, rượu, nước giải khát, thịt gia súc, trứng gia cầm, gà ta, cá chép đỏ và một số loại trái cây chưng Tết... Tại các siêu thị, từ ngày 23 đến ngày 27 tháng chạp, mãi lực tăng 100%-140% so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng giày dép, quần áo, bia rượu, nước giải khát... Từ ngày 28 đến 30 tháng chạp, thị trường bước vào cao điểm mua sắm, lượng khách đến siêu thị gấp 3-4 lần so với ngày thường, doanh thu tăng 10%-20% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm; thực phẩm chế biến; bánh, kẹo, mứt; rau củ... và một số loại trái cây chưng Tết. Còn tại các chợ truyền thống, phải đến 28 tháng chạp, lượng khách mới bắt đầu đông, sức mua tăng 30%-50% so với ngày thường. Giá một số mặt hàng phục vụ Tết tăng nhẹ.

Lý giải việc người tiêu dùng sắm Tết muộn, các DN cho rằng năm nay đa số người lao động nghỉ Tết trễ (sau 27 tháng chạp) nên ngày 28 tháng chạp mới bắt đầu mua thực phẩm, hoa, trái. "Tổng kết lại, mùa Tết này, doanh thu công ty tăng hơn 20% so với Tết năm rồi và tốt hơn hẳn so với kỳ vọng của công ty. Mọi năm, sau Tết, công ty phải lo thu hồi hàng tồn, châm hàng mới vào các siêu thị nhưng năm nay hầu hết siêu thị đều bán sạch hàng vào giờ chót nên đầu năm chúng tôi chỉ việc cung cấp hàng mới mà không phải lo xử lý hàng tồn" - ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay.

Sau Tết, thị trường ổn định - Ảnh 1.

Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định sau Tết Ảnh: Tấn Thạnh

Các DN bán lẻ cũng ghi nhận doanh thu "khủng" trong những ngày giáp Tết. ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết trong 8 tuần kinh doanh Tết, tổng doanh thu của các hệ thống bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… đạt gần 8.000 tỉ đồng, tương ứng với doanh thu gần 1.000 tỉ đồng mỗi tuần.

Theo Sở Công Thương TP HCM, sức mua thị trường Tết năm nay tăng 12%-15% so với Tết Mậu Tuất 2018, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng từ 15%-25%. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhận xét người tiêu dùng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, thay cho "ăn Tết" bằng "vui Tết", "chơi Tết" ngày càng rõ. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang hiện đại, mua sắm online và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa nên không gây áp lực quá lớn cho hệ thống thương mại.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15%-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10%-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục được các DN áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.

Nguồn cung dồi dào

Gần hết những ngày "mùng", sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đã trở lại bình thường nhưng vẫn còn dư âm Tết. Theo các DN, ngoại trừ các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh và chưng cúng vẫn tăng mạnh - đặc biệt là rau xanh, thịt gia cầm - hầu hết mặt hàng tiêu thụ cầm chừng cho đến rằm, thậm chí đến hết tháng giêng. Các DN dự đoán diễn biến thị trường sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2019 bởi nguồn hàng rất dồi dào, nhà sản xuất và kinh doanh ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong việc triển khai kế hoạch, cân đối cung cầu.

Sau những ngày Tết, người tiêu dùng đang tích cực mua rau quả để chống ngán và thanh lọc cơ thể. Tại các siêu thị, do đã có kế hoạch và chốt giá với nhà cung cấp từ trước Tết nên giá các mặt hàng này vẫn ổn định, không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá.

Không những vậy, một số siêu thị còn giảm giá đối với một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến… Chẳng hạn, siêu thị Big C miền Nam đang giảm giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến. Cụ thể, cải thảo Đà Lạt giá 17.900 đồng/kg, khuyến mãi còn 14.900 đồng/kg; cốt lết heo 101.000 đồng/kg, còn 84.900 đồng/kg; lườn cá hồi 75.000 đồng/kg, còn 64.900 đồng/kg; xúc xích xông khói Ebon 188.000 đồng/kg, còn 129.000 đồng/kg… Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã hoạt động bình thường từ mùng 6 tháng giêng và triển khai nhiều chương trình hoạt náo, tặng bao lì xì, giảm giá hàng ngàn mặt hàng nhu yếu phẩm để thu hút khách hàng. Trong khi đó, tại các chợ, giá hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản, còn cao do lượng hàng ít, chưa phong phú như ngày thường.

TP HCM tiêu thụ gần 20.000 tỉ đồng

Các DN TP HCM chuẩn bị lượng hàng cung ứng cho 2 tháng Tết là 18.424,8 tỉ đồng, tăng 612,7 tỉ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỉ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỉ đồng. Tổng doanh thu thị trường ước đạt 19.822 tỉ đồng, tăng 1.143 tỉ đồng (6,12%) so với Tết Mậu Tuất 2018 (18.679 tỉ đồng). Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt 8.450,8 tỉ đồng, tăng 882,1 tỉ đồng (11,65%).

Nguồn: Phương An - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu