Thứ bảy, 25/06/2022,12:43 (GMT+7)
Sẽ đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu rõ: Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang
 
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành 4 nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết 18); Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19); Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20); Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết 21).
 
Đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt
Nghị quyết 18 khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.
 
4 NGHỊ QUYẾT MỚI CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG: Sẽ đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất - Ảnh 1.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: NHẬT BẮC
 
Nghị quyết nhấn mạnh quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.
 
Sửa Luật Đất đai, hoàn thiện thể chế
Nghị quyết 18 đặt mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Về nhiệm vụ cụ thể, Nghị quyết 18 nêu rõ việc hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
 
Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
 
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Tiếp đó là hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
 
Được ưu tiên mua nhà trên đất bị thu hồi; bỏ khung giá đất
Nghị quyết 18 đặt mục tiêu quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.
 
Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
 
Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết 18 nêu rõ việc bỏ khung giá đất. Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
 
Về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, Nghị quyết 18 yêu cầu rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp. "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang" - Nghị quyết 18 nêu rõ.
 
Đồng thời, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất bằng việc đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
 
Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Nghị quyết 18 nhấn mạnh là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp, đồng thời xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
 
Nghị quyết 18 cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở trung ương và địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai.
 
Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả
Nghị quyết 19 vừa được ban hành xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5%-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.
 
Trên cơ sở đó, Nghị quyết 19 đặt ra định hướng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Theo đó, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
 
Còn Nghị quyết 20 xác định mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
 
Về giải pháp, Nghị quyết 20 yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể. 
 
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Nghị quyết 21 xác định mục tiêu đến năm 2025, hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản có đảng viên. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm giai đoạn 2020-2025 đạt từ 3%-4% tổng số đảng viên. Nghị quyết 21 xác định giải pháp đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy viên được phân công phụ trách.
 
Thế Dũng (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu