Thứ sáu, 03/05/2019,09:52 (GMT+7)
Siết chặt chất lượng tôm giống
Tại Sóc Trăng, ngành chức năng tỉnh này đang tăng cường công tác kiểm soát các cơ sở ương dưỡng tôm giống. Mục đích để con giống khi đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng tối ưu nhất.

Chất lượng tôm giống vẫn là bài toán nan giải 

Nhu cầu lớn

Sóc Trăng có diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 gần 56.200 ha; trong đó TTCT chiếm hơn 58% diện tích. Sản lượng tôm ước 133.815 tấn/năm, tôm nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Ngoài ra, người nuôi còn áp dụng các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, lót bạt đáy ao, che lưới lan và ứng dụng hệ thống quan trắc môi trường…

Năm 2019, Sóc Trăng đặt mục tiêu diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 49.700 ha, sản lượng 138.500 tấn. Hàng năm, toàn tỉnh cần khoảng 15 tỷ con tôm giống để phục vụ cho nghề nuôi tôm thương phẩm. Tuy nhiên, nguồn tôm giống tại chỗ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, theo đó vẫn phải nhập từ các tỉnh miền Trung, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu…

Kinh nghiệm của người nuôi tôm cho thấy, trong một vụ nuôi các tác động xấu từ mầm bệnh và môi trường thường có nguy cơ 30% ảnh hưởng đến con tôm, nhưng nếu con tôm giống không tốt, nguy cơ này sẽ tăng lên 80%, vụ nuôi đó cũng gần như thất bại hoàn toàn. Chính vì vậy, việc kiểm soát chất lượng con giống là yếu tố nền cho cả một vụ nuôi.

Siết chặt quản lý

Năm 2018, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cũng đã phối hợp tốt với các tỉnh bạn trong công tác phối hợp, kịp thời xử lý và thông tin các trường hợp tôm nhập không rõ nguồn gốc, tôm bị bệnh truyền nhiễm.

Thêm một yếu tố giúp ngành tôm Sóc Trăng thành công phải kể đến là quản lý nuôi tôm theo mùa vụ. Đối với tỉnh Sóc Trăng, lịch mùa vụ bắt đầu áp dụng từ năm 2010 đến nay và được điều chỉnh chi tiết, linh hoạt hơn qua các năm để ứng phó với điều kiện bất lợi về thời tiết và dịch bệnh. Ngay từ đầu năm 2019, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã thông báo lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ, bắt đầu từ ngày 15/1/2019 và kết thúc vào ngày 30/9/2019. Đối với khung lịch này, để chuẩn bị bắt đầu vụ nuôi mới, khuyến cáo bà con cần làm tốt công tác cải tạo ao, lựa chọn con giống chất lượng, những cơ sở cung cấp vật tư uy tín, giá thành tốt hoặc là ứng dụng những mô hình hiệu quả, đặc biệt vẫn duy trì hình thức nuôi rải vụ thăm dò thời tiết và dịch bệnh trong điều kiện sản xuất mới.

Dù đang rất nỗ lực trong công tác quản lý, nhưng lượng con giống được kiểm dịch mới chỉ khoảng 1/3 nhu cầu con giống tôm nước lợ toàn tỉnh. Chất lượng tôm giống vẫn là bài toán nan giải. Theo ngành chức năng, sở dĩ chất lượng tôm giống chưa đảm bảo là do các cơ sở sản xuất chưa làm chủ được công nghệ. Bên cạnh đó, do hiệu quả sản xuất giống không cao nên các cơ sở này có xu hướng chuyển sang thuần dưỡng hay làm đầu mối phân phối tôm giống. Vì thế, để hạn chế những thiệt hại do tôm giống kém chất lượng gây ra, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, người nuôi cũng cần thận trọng trong việc chọn mua con giống.

>> Mặc dù trong năm 2018, thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm bộc phát mạnh, giá tôm nguyên liệu giảm, nhưng tỉnh Sóc Trăng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Yếu tố thành công của nghề nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng đó chính là việc tuân thủ trong sản xuất của các cơ sở sản xuất tôm giống và bà con nuôi tôm.
 
Thảo Nguyên - (thuysanvietnam.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu