Thứ sáu, 02/07/2021,18:51 (GMT+7)
Siết dự án chung cư “bán lúa non”
Mặc dù pháp luật có rất nhiều ràng buộc đối với việc mở bán dự án chung cư hình thành trong tương lai nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư vẫn huy động vốn được dưới nhiều hình thức. Từ đó, nhiều câu chuyện đau lòng vì tiền mất tật mang cứ liên tục diễn ra.
Dự án Masteri Lumière Riverside huy động vốn khi chưa hoàn thành thủ tục  pháp lý theo quy định pháp luật
Dự án Masteri Lumière Riverside huy động vốn khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật
 
Nhận tiền sai luật

Sau khi thành công dự án Masteri Thảo Điền “ăn theo” tuyến Metro số 1, Công ty Masterise Homes tiếp tục triển khai dự án Masteri Lumière Riverside tại khu đất kế bên (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Hiện tại, công trình đang làm móng cọc, nhưng khoảng 1.000 căn hộ của dự án đã được thông tin “bán hết”. Liên hệ với một nhân viên kinh doanh của công ty này, chúng tôi được biết, 500 căn hộ đã mở bán hồi tháng 1-2021, đợt 2 mở bán vào cuối tháng 4. Giá bán mỗi căn hộ trung bình lên đến 100 triệu đồng/m2. Phương thức thanh toán, nếu mua lúc mở bán khách hàng được chiết khấu 2% giá trị căn hộ, đặt tiền giữ chỗ 200 triệu đồng, đến khi ký hợp đồng sẽ thanh toán 30%. Dự kiến 6 tháng sau khi ký hợp đồng cọc sẽ ký hợp đồng mua bán (vì lúc đó dự án mới đủ điều kiện bán hàng). Theo quan sát của chúng tôi, hiện dự án vẫn đang thi công phần móng. Tra cứu trên trang web của Sở Xây dựng TPHCM, dự án không có tên trong danh sách đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, tức chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).

Đầu năm nay, thị trường BĐS TPHCM choáng ngợp với màn ra mắt của dự án chung cư King Crown Infinity tại TP Thủ Đức, giá bán 100 triệu đồng/m2. Một mức giá góp phần xô đẩy thị trường vào tình trạng “ngáo giá”, bởi vị trí dự án không có gì đặc biệt, mặt tiền đường Võ Văn Ngân thường xuyên kẹt xe. Dự án rộng hơn 1,1ha, gồm 729 căn hộ, được phát triển bởi Công ty cổ phần BCG Land. Tháng 11-2020, dự án tổ chức lễ động thổ, còn hiện nay, trên một trang web giới thiệu dự án đã treo quyết định cấp phép xây dựng được Sở Xây dựng phê duyệt vào tháng 4-2021. Mới đây, chúng tôi có mặt tại dự án thì công trình vẫn im ắng, bốn bức tường vây tôn. Một nhân viên kinh doanh cho biết, lẽ ra dự án mở bán cuối tháng 6 nhưng vì dịch Covid-19 nên hoãn sang tháng 7. Hiện bên bán hàng tổ chức nhận đặt chỗ 100 triệu đồng/sản phẩm, nếu sau này khách mua sẽ chuyển thành tiền đặt cọc. 

4 lưu ý để không mất tiền oan

Lãnh đạo một công ty BĐS thừa nhận, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS tổ chức “bán lúa non” khi chưa đủ các điều kiện huy động vốn theo quy định của luật pháp. Sở dĩ có điều này bởi doanh nghiệp đã tốn khá nhiều tiền để mua dự án, trong khi thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý quá lâu, dẫn đến sốt ruột vì trả lãi suất, hoặc cơ hội kinh doanh trôi qua. Hình thức này gây nhiều rủi ro cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng, thực tế có dự án đóng băng, không thực hiện được. 

Để tiếp tục xử lý rốt ráo các khiếu nại, nhiều cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn TPHCM đã vào cuộc. Trong đó, Sở Xây dựng vừa trình UBND TPHCM ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư BĐS có vi phạm về xây dựng, không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai. Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc quy định về giao dịch BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc tích hợp cung cấp dịch vụ “Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua” trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính, văn bản cũng yêu cầu các địa phương tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trước ngày 15-6.

Tuần qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT-BVNTD), Bộ Công thương đã thông báo một số lưu ý với người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng theo mẫu trong mua bán căn hộ chung cư. Theo đó, hợp đồng theo mẫu chính là các hợp đồng mua bán do bên bán soạn thảo để bán căn hộ chung cư cho khách hàng, thể hiện với nhiều tên gọi khác nhau. Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền. Vì vậy, bên bán cần thực hiện và hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với Cục CT-BVNTD hoặc Sở Công thương (tùy phạm vi áp dụng) trước khi ký kết với khách hàng.

Theo Cục CT-BVNTD, có 4 lưu ý mà người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi giao dịch với bên bán. Thứ nhất, kiểm tra các điều kiện bán căn hộ của chủ đầu tư (đối với căn hộ hình thành trong tương lai, phải có văn bản của Sở Xây dựng, hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng). Thứ hai, kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký của chủ đầu tư tại Cục CT-BVNTD hoặc Sở Công thương nơi đặt dự án, bằng cách liên hệ trực tiếp hay tra cứu trên trang thông tin điện tử các cơ quan này. Thứ ba, so sánh mẫu hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua với mẫu hợp đồng do công ty cung cấp, yêu cầu bên bán áp dụng đúng mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Thứ tư, nghiên cứu kỹ nội dung được chủ đầu tư chú thích và cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo tại phần để trống trong hợp đồng được thông qua.
 
LƯƠNG THIỆN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu