Mục tiêu là tập trung triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
Tỉnh Sóc Trăng chú trọng phát triển văn hóa- xã hội, tổ chức kiểm soát tốt việc tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng các dịch vụ công; bảo đảm an sinh xã hội.
Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Các chỉ tiêu chủ yếu được nêu ra trong nghị quyết gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7% - 7,5%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 65,70 triệu đồng/người/năm.
Tỉ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 93,37% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Trong đó, tỉ lệ lúa đặc sản, lúa thơm chiếm trên 55,44% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh…
Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết này, HĐND tỉnh Sóc Trăng đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tiếp tục phát triển, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; các đề án, dự án chuyển đổi sản xuất như dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển cây ăn trái đặc sản.
Khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi tôm theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,... để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hỗ trợ xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội chợ, hội nghị, hội thảo trong, ngoài tỉnh và các hoạt động xúc tiến thương mại khác; phát huy giá trị các sản phẩm OCOP đặc trưng, có thể mạnh của tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường nông - thủy sản cũng là một trong các giải pháp quan trọng của tỉnh Sóc Trăng
Thứ hai, tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như công nghiệp chế biến thủy, hải sản; công nghiệp sản xuất điện và các ngành hàng khai thác thế mạnh nguyên, vật liệu của địa phương.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động kích cầu thị trường nội địa; đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo sức cầu ngày một lớn và ổn định đối với sản phẩm của tỉnh.
Sóc Trăng còn chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch
Tiếp tục triển khai Đề án "Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ các cơ sở lưu trú; tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch.
Thứ tư, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước; khai thác nguồn thu, chống thất thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, thực hiện nghiêm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết.
Thứ sáu, tăng cường quản lý nhà nước về thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật. Tổ chức kiểm soát tốt việc tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Thứ bảy, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh rà soát, sắp xếp mạng lưới, trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh chóng và hiệu quả yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; có giải pháp cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính.
Thứ chín, tập trung giữ vững quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh theo dõi, nắm tình hình, tổ chức triển khai tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng của đất nước và địa phương.