Vấn nạn toàn cầu
Trước đó khá lâu, vấn nạn tin giả, tin độc đã được đề cập và truy vấn nhiều lần ở cấp Chính phủ. Đa số người dùng đều muốn có một môi trường mạng lành mạnh và hữu ích để họ kết nối và chia sẻ những nỗi niềm hay khoảnh khắc trong cuộc sống của mình.
Lần trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói rõ đây là một nỗi đau đầu của toàn cầu chứ không riêng gì của Việt Nam. Đó là một thực tế chứ không phải muốn lẩn tránh trách nhiệm. Ngay cả ở Mỹ với các cơ quan an ninh nổi tiếng toàn cầu như FBI, NSA, CIA và có hệ thống luật pháp chặt chẽ; vấn nạn tin giả, tin độc hại vẫn là một thách thức lưu niên.
Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể giảm sự tác hại và xử lý các hậu quả do vấn nạn này gây ra. Người ta chỉ có thể tiêu diệt, trừ khử những tiêu cực trên mạng duy nhất với biện pháp: cắt mạng, không cho sử dụng. Bởi lẽ, tiêu cực hay tích cực không phải chỉ với môi trường mạng mà là cả xã hội đều từ con người.
Malaysia đã tiến hành những chiến dịch truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi tinh thần trách nhiệm của người dân chống tin xấu, tin giả trên mạng. Trong ảnh là một poster quảng cáo nói rằng: “Chia sẻ một điều dối trá khiến bạn trở thành một kẻ dối trá” Ảnh: AP PHOTO/VINCENT THIAN
Giải pháp khả thi được nhiều chuyên gia khuyên dùng là không ngừng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm của công chúng - những người dùng mạng xã hội để họ tự bảo vệ mình và không gây hại cho cộng đồng. Mặt thứ hai là hoàn thiện bộ khung pháp lý để xử lý các tiêu cực có hại cho xã hội. Chẳng hạn như xử phạt nặng các hành vi có hại trên mạng.
Chính điều này khiến những kẻ sắp có những hành vi xấu phải chùn tay, đồng thời giúp mọi người cân nhắc thiệt hơn trước khi "manh động". Dĩ nhiên, không chỉ xử phạt những cá nhân trực tiếp vi phạm mà cần có cả những hình thức xử lý thích đáng đối với những mạng, trang web không quản lý tốt để xảy ra điều xấu cho cộng đồng.
Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng xem xét, coi đối tượng vi phạm điều luật nào để áp dụng xử lý. Vi phạm là vi phạm pháp luật, đừng nên phân biệt nó xảy ra ở đời thực hay trên mạng. Thậm chí vi phạm trên môi trường mạng có thể bị coi là một tình tiết tăng nặng do sức lan tỏa rộng của nó.
Có thể bị ngồi tù
Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (tỉnh Sơn La) cho rằng Chính phủ cần kịp thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan, trong đó, Bộ TT-TT phải giữ vai trò chủ chốt để tuyên truyền về pháp luật liên quan tới an toàn thông tin, kịp thời định hướng dư luận với những thông tin xấu, tin độc và tin giả.
Đồng thời, Bộ TT-TT cần nâng cao năng lực hoạt động, vận hành của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, phối hợp với các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ từ nước ngoài để ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo vị đại biểu tỉnh Sơn La, Bộ Công an và chính quyền các địa phương cần có các giải pháp phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng để răn đe.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, để ngăn chặn tin xấu độc, tin giả, cần có khung pháp lý riêng cho vấn nạn tin xấu, tin giả; chế tài nghiêm khắc như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng: nêu tung tin xấu độc, tin giả có thể bị xử phạt hàng triệu USD, thậm chí bị ngồi tù. Bộ TT-TT sẽ tăng cường công tác phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi vi phạm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Công an để có giải pháp kinh tế, kỹ thuật xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.
"Chúng ta sẽ phải ban hành quy định pháp luật này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có một quy định pháp luật để xử lý vấn đề tin giả" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Đề cập đến một bộ lọc để phát hiện tin xấu, độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với mạng xã hội Facebook hiện ở Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng, bản thân các nền tảng xuyên quốc gia này phải có bộ lọc trước. "Những thông tin xấu, tin độc đã được luật pháp quy định hoàn toàn có thể dùng máy móc để tự động nhận dạng nên các nền tảng này phải tiền kiểm, phải hạ xuống và đây yêu cầu bắt buộc" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ngày 14-11, mạng chia sẻ video YouTube của Google đã bắt đầu áp dụng những quy định mới để quản lý tốt hơn các nội dung phục vụ trẻ em. Họ nói phải tuân thủ Luật Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng và các luật lệ khác có liên quan theo yêu cầu của một thỏa thuận giữa Google và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Tổng Chưởng lý bang New York.