Thứ hai, 14/06/2021,07:21 (GMT+7)
“Sống theo chiều gió”
Người dân xã đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) chủ yếu sống tập trung ở bãi Ngự. Hằng năm, khi gió Nam tới, hàng trăm hộ ở bãi Ngự phải di chuyển về bãi Dong. Rồi gió Bắc về, cũng chính họ lại phải dọn nhà di chuyển về bãi Ngự. Vất vả, tốn kém mỗi khi di cư, nhưng muốn trụ được trên đảo, phải chấp nhận “sống theo chiều gió”.
Toàn xã đảo Thổ Châu có khoảng 500 hộ dân thì có trên 150 hộ dân sống bằng nghề chạy đò.
 
Xã đảo Thổ Châu cách TP Phú Quốc hơn 100km và TP Rạch Giá khoảng 200km, nằm trong quần đảo Thổ Chu của tỉnh Kiên Giang, với trên 500 hộ dân sinh sống. Xã đảo Thổ Châu chỉ có 1 ấp (ấp Bãi Ngự) và đây cũng là nơi đặt trung tâm hành chính xã. Vì thế, hơn 80% cư dân tập trung sinh sống tại ấp Bãi Ngự, số còn lại sống tại bãi Dong. Những năm qua, cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề câu, lưới; hậu cần nghề cá và một ít hộ mua bán tạp hóa, rau cải, dịch vụ ăn uống, nước giải khát… Tuy thời tiết trên đảo tương đối thuận lợi nhưng do diện tích đất nông nghiệp ít nên để có bó rau, trái cà, trái bí…, bà con trên đảo phải trông chờ nguồn cung từ đất liền.
 
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trên biển suy giảm, một bộ phận dân cư trên đảo khó sống với nghề câu, lưới, buộc phải vào đất liền tìm kế sinh nhai. Một số khác chuyển đổi sang buôn bán, chạy đò hay hậu cần nghề cá và những ngành nghề này đều phụ thuộc vào lượng tàu cá neo đậu ở bãi Dong, bãi Ngự. Ông Lâm Thanh Sơn, chạy đò dọc trên biển, cho biết: “Nghề chạy đò trên biển trước đây chỉ chèo ghe đưa khách. Những năm gần đây, người dân có điều kiện mua máy nổ đưa khách từ tàu cá vào bờ và ngược lại. Nghề này thấy nhàn nhưng khó ăn, nhất là những hôm gặp giông gió, chuyện lật ghe, chìm tàu xảy ra thường xuyên”.
 
Vừa trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Sơn vừa tranh thủ dọn đồ đạc để sáng mai chở về bãi Dong, dựng nhà, hành nghề chạy đò cho đến tháng 8 âm lịch. Ông Sơn giải thích: “Ở xã đảo Thổ Châu mỗi năm có gió Nam và gió Bắc. Gió Nam bắt đầu từ tháng 4 âm lịch kéo dài đến tháng 8 âm lịch. Những tháng còn lại là gió Bắc và khi gió Nam thổi lên, tất cả tàu cá về bãi Dong neo đậu. Vì thế, dân chèo đò hay hậu cần nghề cá, buôn bán nhu yếu phẩm… phải chuyển hết về bãi Dong hành nghề. Ðến lúc gió Bắc về, tàu cá chạy về bãi Ngự neo đậu thì bà con lại di chuyển về bãi Ngự sinh sống và lao động”.
 
Chị Trần Trang ở bãi Ngự, chia sẻ: “Từ khi ra đảo sinh sống, tôi làm bè để buôn bán nhu yếu phẩm như gạo, mì, nước uống… cho các tàu cá khi vào bờ neo đậu. Bởi thế, khi ghe cá đi tới đâu là tôi nhổ neo, di chuyển bè đến đó”. Vì cái nghề “ăn bám” theo các tàu cá nên tàu cá về bãi nào là chị thuê người, thuê tàu kéo bè về bãi đó. Một năm phải di chuyển 2 lần, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Khi di chuyển bè, không may gặp sóng to, gió lớn, đồ đạc trên bè có khi bị thổi hết xuống biển.
 
Còn chị Phan Thị Hơn sống bằng nghề chạy đò, than thở: “Những gia đình có điều kiện thì cất một căn nhà ở bãi Dong, một căn ở bãi Ngự nên không lo chuyện dỡ nhà, dựng nhà khi thời tiết chuyển mùa. Những hộ khó khăn thì tốn tiền, tốn sức hơn khi 1 năm phải 2 lần dỡ nhà rồi dựng nhà”. Theo chị Hơn, nghề chạy đò trên biển của chị hiện cũng khó khăn vì lượng tàu cá vào bãi neo đậu giảm dần. Trong khi đó, số người chạy đò hiện nay đã tăng lên gần 150 người. Trước đây, mỗi hộ chạy đò có thể thu nhập từ 500.000-1 triệu đồng/ngày thì nay chỉ kiếm khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày.
 
Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Ðảng ủy xã Thổ Châu, cho biết: Do đặc thù của xã đảo chỉ có bãi Dong và bãi Ngự để tàu cá vào bờ neo đậu khi gió Bắc, gió Nam về. Khi đó, có trên 30% dân cư sống nghề chạy đò, buôn bán, hậu cần nghề cá… sẽ di chuyển theo các tàu cá. Vì cuộc mưu sinh theo các tàu cá nên những hộ này phải vất vả dỡ nhà, dựng nhà, di chuyển đồ đạc từ bãi Dong sang bãi Ngự và ngược lại. Cuộc sống cứ thế dần trở thành quen với cư dân trên đảo mỗi khi gió chuyển hướng.
 
“Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Thổ Châu đang suy kiệt vì thế số lượng tàu đánh bắt cá giảm đáng kể. Ðiều này ảnh hưởng đến đời sống người dân trên xã đảo, vì đa phần người dân sống phụ thuộc vào hậu cần nghề cá, chỉ một số hộ có ghe nhỏ đi câu mực, mò ốc. Do đó, rất mong các ngành, các cấp quan tâm giúp Thổ Châu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Ðồng thời đầu tư cho giáo dục, y tế...” - ông Vũ nói.
 
Bài, ảnh: HẢI BÌNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu