Thứ sáu, 11/10/2019,07:45 (GMT+7)
Sốt xuất huyết khi nào hết… “nóng” ?
Tình hình sốt xuất huyết (SXH) ở Hậu Giang đang diễn biến khá phức tạp, số cas bệnh tiếp tục gia tăng. Người dân và ngành chức năng cần làm gì để phòng, chống SXH hiệu quả hơn ?

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sẽ góp phần nâng cao nhận thức người dân, tránh sự chủ quan trong phòng, chống SXH.

Tình hình thực tế

Số bệnh nhân ghi nhận mắc SXH có xu hướng gia tăng từ cuối tháng 6 đến nay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

 Tính đến ngày 3-10, toàn Hậu Giang ghi nhận 473 cas SXH, tăng 286 cas so cùng kỳ 2018. 8/8 huyện, thị xã và thành phố đều có số trường hợp mắc bệnh SXH tăng so với cùng kỳ. Trong đó, cao nhất ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và Châu Thành A lần lượt là 126, 107 và 86 trường hợp. Số cas mắc SXH ở người trên 15 tuổi chiếm 13%, trẻ em 87%, trường hợp choáng 0,42%, không có bệnh nhân tử vong.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoảng thời gian 2 tháng gần đây, tình hình bệnh nhân nhập viện cũng tăng đáng kể, đa dạng ở mọi lứa tuổi. Ông Phan Ngọc Bình, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: “Nhiều trường hợp vào viện khi bệnh mới phát, nên thuận lợi trong điều trị, tuy nhiên, có một số cas khá nặng do người dân còn ỷ lại vào sức khỏe. Đồng thời, trong quá trình điều trị, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, có thêm kiến thức, biện pháp phòng, chống SXH”. Bệnh SXH khá nguy hiểm và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê… dẫn đến tử vong.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tỉnh đã triển khai chiến dịch đợt III Tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh SXH năm 2019, mang lại kết quả thiết thực, khi tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Người dân cũng ý thức hơn trong hoạt động phòng, chống SXH như phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, vệ sinh dụng cụ chứa nước, diệt muỗi, lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt,… giúp chỉ số BI giảm < 3. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh thành dịch vẫn còn tồn tại ở một số điểm ổ dịch cũ khi môi trường chưa khắc phục triệt để.

Người dân thường có thói quen dự trữ nước ở các chum, vại, lu, bể chứa mà không có nắp đậy nên muỗi dễ dàng chui vào đẻ trứng. Từ đó, dẫn đến tình trạng số cas bệnh SXH tiếp tục gia tăng.

Ai cũng có thể mắc bệnh

Dù con trai hơn 3 tuổi đã xuất viện do mắc SXH mấy ngày qua, nhưng chị Trần Thị Xinh, ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vẫn lo sợ. Chị Xinh chia sẻ: “Bản thân tôi đâu có kiến thức về SXH, nên thấy con nóng liền ra tiệm mua thuốc về uống. Đến ngày thứ 4, tự dưng con nói là hai chân không đi được nữa, nên tôi mới tức tốc đem cháu nhập viện. Bác sĩ thông tin cháu bị SXH, tôi hốt hoảng và từ bây giờ sẽ ý thức hơn trong phòng bệnh”.

Việc người dân ỷ lại vào sức khỏe cũng như nhập viện trong tình trạng khi bệnh trở nặng, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, gây khó khăn trong công tác điều trị. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn khá thờ ơ với việc phòng, ngừa SXH cứ nghĩ đốt nhang diệt muỗi là xong. Em Trương Vĩnh Hiếu, 20 tuổi, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Em từng bị SXH hồi nhỏ nên đâu nghĩ bị lại. Đến khi bệnh, mua thuốc ngoài tiệm uống không hết mới vào bệnh viện thì sức khỏe đã yếu, nôn ối và cơ thể mệt mỏi”.

Những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc và thường gây hiểu nhầm cho người dân là cảm, sốt thông thường. Bên cạnh đó, các thai phụ cũng là đối tượng đáng được quan tâm. SXH khi mang thai sẽ khó chẩn đoán hơn người bình thường, khá nguy hiểm. Vi-rút sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ và con, gây ra rối loạn đông máu, làm giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Bệnh có thể gây sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu. Đáng quan ngại, khi SXH xảy ra vào giai đoạn chuyển dạ, có thể gây băng huyết sau sinh, nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho sản phụ.

Chị Nguyễn Ngọc Khánh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi biết đang có dịch SXH nên rất sợ, bản thân chú trọng diệt muỗi, ngủ mùng để bảo vệ sức khỏe. Người bình thường khi SXH đã rất mệt mỏi, huống chi mẹ bầu, sợ nhất là gây ảnh hưởng đến thai nhi”.

Ý kiến ngành y tế

Thời gian qua, ngành y tế luôn tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại để phòng SXH. Thực tế, việc phòng, chống SXH là chuyện của toàn dân, không riêng gì một tập thể, hay ban ngành nào. Nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó trong việc khống chế, dập tắt dịch.

Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị các loại dịch bệnh. Tiến hành rà soát, tập huấn kiến thức cho 16 đội phòng chống dịch cơ động, có kế hoạch bổ sung đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, y tế, hóa chất… sẵn sàng triển khai bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch. ThS.BS Trương Tỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thông tin: “Trước mắt, chúng tôi sẽ căn cứ vào diễn biến dịch bệnh của địa phương để có phương án phòng, chống dịch theo từng tình huống cụ thể; chủ động vệ sinh môi trường và phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ”.

Các địa phương cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch (cas bệnh, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để nhằm khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên). Quyết liệt triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng chủ động phòng, chống bệnh SXH với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ.

Ngoài công tác tuyên truyền, sự vào cuộc mạnh mẽ từ ngành chức năng thì ý thức người dân trong phòng bệnh vẫn là yếu tố cần thiết để hạn chế tình trạng SXH gia tăng. Diệt muỗi, lăng quăng và ngủ mùng kể cả ban ngày… là những biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc phòng, chống SXH.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu