Chủ nhật, 22/12/2019,16:43 (GMT+7)
Sự lên ngôi của nền tảng trực tuyến trong âm nhạc
Tranh cãi về bản quyền giữa các nghệ sĩ và các đơn vị sản xuất âm nhạc là cuộc chiến không hồi kết, bởi những quy định nhập nhằng, chồng chéo về quyền hạn, quyền lợi của mỗi bên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các nghệ sĩ tìm đến các nền tảng dịch vụ trực tuyến ngày càng nhiều hơn, thay vì tập trung cho các nền tảng chuyên về âm nhạc.
 
Các nghệ sĩ từng hưởng lợi về quyền phái sinh từ dịch vụ của Netflix.
 
Việc Netflix thu hút các nghệ sĩ được lý giải vì nền tảng trực tuyến này mang lại nhiều lợi ích cho thị trường âm nhạc, nhất là với các cá nhân. Lợi ích này được chia sẻ bởi quyền phái sinh (theo Luật Bản quyền quốc tế, đây là quyền của người giữ bản quyền một ca khúc cho phép một đơn vị sử dụng ca khúc đó trong phim ảnh, game…). Sẽ không có gì ngạc nhiên hay tranh cãi về bản quyền các ca khúc được phát trong các chương trình nổi tiếng, như “Russian Doll”, “Stranger Things” của Netflix. Điều này mở ra hướng phát triển mới trong thị trường âm nhạc.
 
Năm 2018, Netflix có khoảng 300 chương trình phát trên toàn cầu. Trong mỗi chương trình sẽ có không ít các bài hát được sử dụng. Ví dụ như trong thời gian chuyển tiếp giữa các video trên Netflix, một bài hát có sẵn trong danh sách sẽ được phát lên, như “Caldera, Caldera!” của Gemma Ray’s” trong “Russian Doll” hay “U Don’t Know” của Jay-Z trong “When They See Us”. 300 chương trình này ước có khoảng 1.500 giờ, điều đó có nghĩa là có hàng trăm ca khúc có thể được phát. Và Netflix sẽ cấp phép vĩnh viễn trên toàn cầu cho các bài hát xuất hiện trong các chương trình của họ. Như vậy, tùy theo độ phổ biến và mức trả phí của người xem, các nghệ sĩ và người sở hữu ca khúc sẽ nhận được từ 40.000-50.000 USD, có khi nhiều hơn.
 
Theo báo cáo từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) doanh thu của các giao dịch âm nhạc đã được cấp phép hay quyền phái sinh chỉ chiếm 2,3% tổng doanh thu thị trường âm nhạc, đến năm 2018 nó đã tăng lên khoảng 5,2%. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tăng trưởng rất tốt. IFPI nhận định, chính nhờ vào các dịch vụ, như: Spotify, Shazam và Tunefind (một cơ sở dữ liệu phổ biến về âm nhạc được sử dụng trong chương trình, phim và các video game trên Netflix) giúp các bài hát dễ dàng đến với người xem và thúc đẩy giao dịch mua bán âm nhạc. Nhờ đó, thị trường âm nhạc từ dịch vụ trực tuyến đã tăng thêm 34% trong năm 2018.
 
Mặc dù lợi nhuận và tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn có không ít khó khăn. Hiện tại, vấn đề lớn mà Netflix đang gặp phải là thỏa thuận với các đối tác quá phức tạp, nhất là về các thủ tục và điều khoản. Như trường hợp của tập phim “Rachel, Jack and Ashley Too” trong  sê-ri “Black Mirror”, Netflix đã mất hàng tháng trời để đạt thỏa thuận với người phụ trách Amelia Hartley, dù Amelia Hartley cho rằng: “Netflix là đối tác rất thiện chí. Bạn có thể gởi các ý tưởng liên quan đến âm nhạc thương mại, họ sẽ cho biết chi phí bạn cần để thực hiện”.
 
Với cách hỗ trợ tích cực, Netflix đang mở ra định hướng mới thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp âm nhạc với hình thức kinh doanh đôi bên cùng có lợi.
 
MINH NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu