Cả trăm người tham gia vụ dựng rạp rao bán đất nền ở Lộc Khánh, Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Chiều 16.3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu tình trạng dự án chậm triển khai ở nhiều địa phương gây lãng phí nguồn lực. Quan điểm của bộ và biện pháp giải quyết?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, những năm qua, Hà Nội, TPHCM và các địa phương đã thu hồi các dự án chậm triển khai. Dự án chậm triển khai có nguyên nhân trong đó chưa xác định đâu là khách quan, chủ quan và trách nhiệm rõ ràng. Có việc chậm do làm sai thì phải xử lý, sau đó phải trả lại đất cho phát triển. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo về vấn đề này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, 1.000 dự án ở Đà Nẵng, hàng nghìn dự án ở các địa phương khác đều có vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra do vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này lại không giải quyết được. Do vậy, nguồn lực ở đây đang bị chậm rất lớn.
Nguyên nhân tiếp theo là việc đầu cơ, một lúc nhận nhiều dự án, nhiều khu công nghiệp nhưng năng lực không có.
Theo Bộ trưởng Hà, cần xem xét địa phương nào khó khăn về hạ tầng thì nghiên cứu có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vào đầu tư. Ngoài ra, với các địa phương có giao thông hạ tầng tốt, thì cần có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tốt, để tăng tính hiệu quả sử dụng đất. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề Bộ sẽ suy nghĩ và tính toán trong thời gian sắp tới.
"Với những anh đầu cơ, găm đất ở đó chờ giá đất lên thì phải sử dụng các công cụ về thuế. Sắp tới khi sửa Luật Đất đai có thể làm cho những người đang ôm đất sẽ bỏ đất, giá đất đang cao có thể sẽ thấp xuống" - ông Trần Hồng Hà nói.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng, người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa. Các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức sẽ được xây dựng để làm sao có giá phù hợp.
Trả lời về tình trạng trốn thuế trong giao dịch đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, có trường hợp quyết định giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ, chưa thực hiện trách nhiệm tài chính một phần. Hoặc đất đáng lẽ giao làm dự án khu công nghiệp nhưng găm lại không làm thì đất vẫn lên giá.
Như vậy, chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế. Do đó, khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, nếu không làm thì phải tăng thuế lũy tiến để bổ sung nguồn thuế.
"Người đầu cơ đất đai thì cần phải đánh thuế cao hơn vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội", ông Trần Hồng Hà nói.
Trả lời câu hỏi về việc có nên hình sự hóa hành vi lũng loạn thị trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại quan điểm là cần xử lý nghiêm hành vi liên quan tới gây lũng loạn thị trường đất đai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý.
Ông cho rằng, vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa.