Để đạt thành quả trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ từ công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác quan trắc môi trường nước và phòng chống dịch bệnh, công tác thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống đến quản lý tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), đẩy mạnh công tác xây dựng chuỗi liên kết nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại trên tôm nuôi.
Nuôi tôm áp dụng khoa học kỹ thuật giảm rủi ro cho vụ nuôi thắng lợi. Ảnh: Thúy Liễu
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “Xác định được các nguyên nhân chính sẽ gây thiệt hại trên tôm, ngành nông nghiệp đã tăng cường các công tác về tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật và không ngừng cải tiến về phương thức chuyển giao để người dân nắm bắt những thông tin mới nhất phục vụ sản xuất bằng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình có hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Được biết, ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện một số mô hình trình diễn làm điểm nhân rộng như: mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất giảm giá thành, mô hình nuôi luân canh tôm lúa kết hợp ương tôm trong bể nổi lót bạt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm hữu cơ vi sinh xử lý ao. Các mô hình nuôi có hiệu quả hiện nay đang được áp dụng là mô hình ứng dụng chế phẩm hữu cơ trong nuôi tôm nước lợ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng ao nuôi lót bạt, mô hình nuôi tôm lót bạt lưới, mô hình cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú hai giai đoạn, mô hình nuôi tôm mật độ thưa kết hợp ứng dụng biện pháp sinh học...
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ thêm: “Công tác quan trắc môi trường trong nuôi tôm cũng được ngành thường xuyên thực hiện tại các vùng nuôi để thông tin liên tục, kịp thời và đưa ra các khuyến cáo đến hộ nuôi trong quá trình nuôi, thường xuyên giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi. Riêng về công tác quản lý giống, ngành thực hiện chặt chẽ là phối hợp với các tỉnh có nhập tôm giống vào tỉnh sẽ quản lý dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã tiến hành xây dựng chuỗi liên kết cho các THT, HTX thủy sản, theo đó toàn tỉnh hiện có 35 HTX với 833 thành viên, diện tích 1.500ha và 165 THT. Xác định kinh tế hợp tác là xu hướng tất yếu nhằm tập hợp những người nuôi nhỏ lẻ lại với nhau. Do vậy, ngành đã hỗ trợ HTX nuôi tôm để đạt tiêu chuẩn VietGAP và ASC…”.
Để vụ nuôi tôm năm 2020 đạt mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu định hướng, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu ngành thủy sản, phù hợp điều kiện từng vùng, địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn tái cơ cấu thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đồng chí Lê Văn Hiểu, ngoài nuôi tôm cần phát triển thêm nuôi một số loại cá tra, cá chẽm, cá kèo… với quy mô diện tích nuôi phù hợp, đảm bảo có hợp đồng tiêu thụ, phát triển nuôi tôm nước lợ dựa trên lợi thế điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi thế kinh nghiệm của người dân để phát triển ngành tôm hiệu quả cũng như tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, mô hình tôm lúa, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Đối với hộ nuôi tôm nên áp dụng các giải pháp kỹ thuật, như: tích trữ nước ngọt để điều tiết độ mặn trong điều kiện nắng nóng kéo dài hoặc xâm nhập mặn, kiểm soát môi trường ao nuôi, duy trì mực nước trong ao nuôi thích hợp, sử dụng máy ôxy quạt nước để hạn chế chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm…
Thúy Liễu - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)