Bắt đầu làm tài xế xe công nghệ từ giữa năm 2023, anh Trần Hoàng Tùng (quê Vĩnh Long) cho biết đây là năm đầu tiên không dám về quê ăn Tết. Mặc dù đồng hồ đã điểm hơn 22 giờ ngày 9-2, tức chỉ còn chưa đầy 2 giờ nữa là đến giao thừa nhưng anh Tùng vẫn tranh thủ chạy thêm vài cuốc xe.
Chàng trai trẻ tâm sự đêm giao thừa là khoảng thời gian nhớ về gia đình nhiều nhất. Vì thế, anh không muốn trở về phòng trọ sớm. Anh mang đôi giày mới màu trắng, xịt một chút nước hoa và tiếp tục những chuyến xe mưu sinh.
"Những ngày cuối năm, đa số khách là người say hoặc đặt giao hàng nhanh. So với ngày thường thì ít chuyến hơn, nhưng bù lại mình sẽ được khách lì xì thêm" – anh Tùng cười nói.
Chuyến xe đêm giao thừa chứa nhiều cảm xúc
Đang lái xe, anh chợt nhớ điều gì đó, vội tấp vào vỉa hè và gọi điện về quê, nhắc anh hai rút tiền để sáng mùng 1 mừng tuổi ông bà. Anh Tùng cho biết gia đình có 2 anh em, anh trai của anh ở quê nên không kiếm được nhiều tiền, vì vậy mọi người đặt nhiều niềm tin vào anh.
"Thường thì mọi người sẽ lì xì cho người nhỏ tuổi hơn, còn mình thì dành toàn bộ số tiền có được để mừng tuổi ông bà, cha mẹ và anh hai. Mọi năm còn có thêm chi phí quà cáp cho họ hàng nhưng năm nay đã hạn chế nhiều" – tài xế xe ôm công nghệ tâm sự.
Những chuyến xe trong thời khắc chuyển giao năm cũ bước sang năm mới luôn chứa đựng những câu chuyện riêng, thế nhưng ai cũng có một "mẫu số chung" là nhanh chóng trở về nhà quây quần bên gia đình.
Anh Tùng chia sẻ phía hãng xe công nghệ cho nghỉ Tết 5 ngày, vì muốn kiếm thêm tiền nên anh "tăng ca". Tuy đón Tết ở TP HCM nhưng anh không cảm thấy buồn.
"Sáng mùng 1 tôi sẽ đi lễ chùa đầu năm. Sau đó bắt đầu công việc với thật nhiều năng lượng. Vừa làm vừa đón tiết trời mát mẻ những ngày đầu năm cũng là một điều thú vị" - anh Tùng vui vẻ nói.