Thứ tư, 24/10/2018,13:49 (GMT+7)
Tảng băng hình chữ nhật ở Nam Cực làm NASA sửng sốt
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một bức ảnh chụp tảng băng trôi hình chữ nhật nổi trên biển Weddell, ngoài khơi Nam Cực.

Đài BBC hôm 23-10 dẫn lời NASA cho biết các góc nhọn và bề mặt phẳng của tảng băng cho thấy nó bị tách ra từ một thềm băng. Các cạnh của tảng băng này vẫn còn sắc và chưa bị sóng biển mài mòn.

Bức ảnh do các nhà khoa học chụp từ một máy bay nghiên cứu của NASA hôm 16-10. Bà Kelly Brunt, nhà khoa học làm việc cho NASA và Trường ĐH Maryland, cho biết quá trình hình thành tảng băng này giống như một cái móng tay mọc quá dài, sau đó bị bẻ gãy ở phần dưới. Chúng thường có dạng hình học. Bà Brunt nói rằng tảng băng trông khác thường vì nó quá vuông vức.

NASA cho biết tảng băng đặc biệt tách ra từ thềm băng Larsen C trên bán đảo Nam Cực.

Tảng băng hình chữ nhật ở Nam Cực làm NASA sửng sốt - Ảnh 1.

Tảng băng trôi hình chữ nhật nổi trên biển Weddell, ngoài khơi Nam Cực. Ảnh: NASA

Không rõ tảng băng trôi lớn như thế nào trong bức ảnh của NASA nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể dài hơn 1,6 km. Ngoài ra, giống như những tảng băng trôi khác, phần được nhìn thấy trên bề mặt chỉ phản ánh một phần nhỏ khối lượng của tảng băng - trong trường hợp này là khoảng 10%.

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới từng được tìm thấy là Iceberg B-15, dài 295 km và rộng 37 km. Tảng băng có kích thước lớn hơn cả đảo Jamaica, bị tách khỏi thềm băng Ross vào năm 2000.

Băng trôi được xem là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Hầu hết chúng ta thường nhìn thấy những tảng băng trôi với một đầu nhỏ nhô ra khỏi mặt nước. Tuy nhiên, có một loại băng trôi dạng hình học giống như trên. Các góc của chúng có thể lên đến 90 độ, tức "vuông thành sắc cạnh".

Bức ảnh tảng băng chữ nhật nằm trong chiến dịch IceBridge của NASA, trong đó chụp lại các vùng cực của trái đất để tìm hiểu sự thay đổi của băng (độ dày, vị trí, sự tích tụ...) những năm gần đây.

Thềm băng được hình thành nơi lục địa tiếp giáp đại dương. Tảng băng nằm trên đại dương nhưng gắn liền với lục địa được gọi là thềm băng. Một quá trình thường xảy ra, đó là băng bị vỡ ra khỏi những tảng băng lớn hơn và trôi nổi trước khi tan chảy.

NASA dự định nghiên cứu quá trình này thông qua chiến dịch IceBridge như một cách để đo sự tan chảy của băng do tình trạng nóng lên toàn cầu. Khi hành tinh ấm lên, những tảng băng dễ bị tan chảy khi chúng trôi ra biển. Đây là yếu tố quan trọng để nghiên cứu việc mực nước biển dâng mà NASA đo được trong nhiều thập kỷ qua.

Nguồn: Phạm Nghĩa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu