Thứ hai, 20/02/2023,20:04 (GMT+7)
Tăng chỉ tiêu, giảm phương thức tuyển sinh
Mùa tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm năm 2023, nhiều trường tăng chỉ tiêu, đồng thời giảm phương thức tuyển sinh để tạo thuận lợi cho thí sinh
 
Dự kiến, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 vào tháng 7.
 
Tạo điều kiện tối ưu cho thí sinh
ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay mùa tuyển sinh 2023, trường đào tạo 63 chương trình, trong đó có 3 ngành học mới gồm: Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, công nghệ vật liệu polymer và composite, kỹ thuật sinh học. Kỹ thuật hóa học vẫn là ngành tuyển nhiều nhất với 520 chỉ tiêu, thấp hơn năm ngoái 80 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 7.985 sinh viên với 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, năm 2023, trường giảm 2 phương thức xét tuyển so với năm 2022, chỉ còn 3 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Phenikaa (10% - 20% tổng chỉ tiêu), xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (40% - 60% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT (30% - 40% tổng chỉ tiêu). Lý giải về điều này, PGS-TS Nguyễn Phú Khánh cho biết căn cứ từ thực tế mùa tuyển sinh trước, việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khiến thí sinh lúng túng. Vì vậy, năm nay trường tinh gọn các phương thức xét tuyển nhằm tạo điều kiện tối ưu cho thí sinh.
 
Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải xét tuyển bằng 4 phương thức gồm: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế; xét tuyển kết quả học tập; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS.
 
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm 4 ngành, tăng từ 3.820 chỉ tiêu lên 4.280 chỉ tiêu.
 
Trường mở thêm 4 ngành mới gồm kinh tế số, truyền thông và quan hệ công chúng, công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và marketing số (chương trình chất lượng cao). Trường dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp; 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy; 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
 
Trường ĐH Mở Hà Nội tuyển 3.800 sinh viên, tăng hơn 200 chỉ tiêu so với năm ngoái. Năm nay trường xét tuyển kết quả bài thi đánh giá tư duy với các ngành thương mại điện tử, Luật Kinh tế, công nghệ thông tin (với 4 chuyên ngành: công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, công nghệ đa phương tiện, mạng và an toàn hệ thống). Ngoài ra, trường cũng sử dụng phương thức xét học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, kết hợp điểm học bạ hoặc thi tốt nghiệp với điểm năng khiếu.
 
Tăng chỉ tiêu, giảm phương thức tuyển sinh - Ảnh 1.
Thí sinh tham gia kỳ thi kiểm tra tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022
 
Thông báo xét tuyển sớm
PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết dự kiến năm nay thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào tháng 7. Tuy nhiên thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển...
 
PGS-TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết với phương thức xét tuyển tài năng, dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển trước ngày 15-5.
 
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 60% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm gồm 40% chỉ tiêu xét học bạ, 20% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM cũng như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển...
 
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho hay tuyển sinh trình độ đại học đợt 1 năm 2023 theo 2 phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do USTH tổ chức và xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 13 đến 26-2.
 
TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, thông tin trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng đợt đầu tiên đến ngày 31-5 cho tất cả ngành đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trước ngày 31-3 được giảm 10% học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024.
 
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khuyến cáo kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Nếu không cần thiết thì các trường không cần xét tuyển sớm, vì cuối cùng tất cả thí sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ.
 
Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và các ngành đào tạo giáo viên sau khi có kết quả thi THPT. Căn cứ vào ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của bộ, các trường phải công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng của trường chậm nhất 10 ngày đối với thời hạn đăng ký xét tuyển. Nếu trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến. Thí sinh nào trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến thì các trường có quyền từ chối quyền nhập học của các em. 
 
Tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ
Dù phụ huynh có ý kiến bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ nhưng nhiều trường vẫn ưu tiên sử dụng phương thức này. Trường ĐH Nha Trang dành 40% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm trung bình học bạ 6 học kỳ và 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Năm nay, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM dành tới 70% tổng chỉ tiêu (tương đương 4.627 thí sinh) xét tuyển học bạ, trong đó 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ...
 
Bài và ảnh: Yến Anh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu