Thứ ba, 18/05/2021,07:37 (GMT+7)
Tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp
Công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), ngăn chặn tình trạng sử dụng kháng sinh cấm và hóa chất độc hại trong sản xuất và kinh doanh nông sản, thủy sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh được ngành nông nghiệp tăng cường triển khai thực hiện trong những năm qua.
Hợp tác xã nông sản sạch xã Vĩnh Thới kiểm tra sản phẩm của xã viên trước khi cung ứng cho hệ thống siêu thị
 
Ở lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp đã phối hợp tuyên truyền các quy định về ATTP và đảm bảo chất lượng bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm (với 350 lớp và trên 11.800 lượt người tham dự); thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật cho 370/385 cơ sở (trong đó, có 25 cơ sở xếp loại A, 333 cơ sở xếp loại B, 12 cơ sở được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, ISO 22000:2018).
 
Ngành nông nghiệp tổ chức kiểm tra và xác nhận kiến thức cho 385 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Định kỳ, ngành nông nghiệp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP đối với nông sản đang lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, tổ chức ký cam kết sản xuất nông sản an toàn.
 
Năm 2020, đã tổ chức ký cam kết cho 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, lấy mẫu phân tích nông sản. Qua đó, phát hiện 6% mẫu có dư lượng bảo vệ thực vật và 5% mẫu không đảm bảo an toàn, ngành đã có những biện pháp xử lý kịp thời đối với các sản không an toàn, độc hại.
 
Đối với lĩnh vực thủy sản, đã thực hiện thẩm định, đánh giá xếp loại cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đủ điều kiện an toàn cho 178 cơ sở. Đối với các cơ sở nhỏ lẻ, đã thực hiện cam kết cho 728 cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn; thực hiện cam kết cho 322 cơ sở nuôi trồng thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
 
Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp đã thực hiện kiểm soát dư lượng các chất độc hại theo kế hoạch của Cơ quan Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia kiểm soát dư lượng thủy sản nuôi. Qua đó, đã thu 1.784 mẫu thủy sản nuôi (cá tra thương phẩm, rô phi đỏ, tôm càng xanh, cá lóc). Kết quả, có 14/1.784 mẫu (chiếm 0,78%) thủy sản nuôi nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
 
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng và áp dụng hệ thống giám sát chất lượng tiên tiến trong sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh và chất độc hại, kiểm tra đủ điều kiện sản xuất an toàn nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
 
T.H - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu