Sáng 8-8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động (NLĐ) năm 2023. Cuộc khảo sát do Ban Chính sách - Pháp luật và Viện Công nhân (CN) và Công đoàn, phối hợp thực hiện.
Lương không đủ sống
Trong số 2.982 phiếu khảo sát công nhân lao động (CNLĐ) ở 6 tỉnh, thành phố đông CN, có 62,9% NLĐ thuộc vùng I; 12,3% thuộc vùng II; 16,4% thuộc vùng III và 8,4% thuộc vùng IV. Trong số này, có 27,5% NLĐ làm việc trong ngành dệt may; 16,9% NLĐ làm việc trong ngành điện, điện tử; 7,3% làm việc trong ngành thương mại; 5,7% làm việc trong ngành chế biến nông lâm thủy sản; 4,4% làm việc trong ngành da giày và 38,1% làm việc trong các ngành khác như cơ khí, giao thông vận tải, xây dựng.
Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có tới 75,5% công nhân được khảo sát cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thay mặt nhóm nghiên cứu công bố kết quả khảo sát, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện CN và Công đoàn, cho biết có 52,3% NLĐ có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Bên cạnh đó, có 76,2% NLĐ tham gia khảo sát "tình nguyện" làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.
Tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3-2022). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu (LTT) từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Còn 3,5% NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.
Về thu nhập, thu nhập trung bình của 2.982 NLĐ khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN. Theo kết quả khảo sát, chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng chi tiêu là gần 12 triệu đồng/tháng.
Trong đó, họ chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%. "Chỉ có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu" - kết quả khảo sát nêu rõ.
Hài hòa lợi ích
Hôm nay (9-8), tại Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) sẽ họp phiên thứ nhất để thương lượng về tiền LTT năm 2024.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết cán bộ Công đoàn mong muốn NLĐ có việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, DN lại gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm hơn 20%, tương đương gần 4 tỉ USD, số CN mất việc lên đến hơn 600.000 người.
Thực tế cho thấy có sự dịch chuyển đơn hàng sang nước khác và cạnh tranh về giá gay gắt, 6 tháng đầu năm, đơn giá gia công giảm hơn 30%. Ông Dương đánh giá điều này liên quan tiền lương của NLĐ và tiền LTT sắp được đàm phán sắp tới. Đối với các ngành không tính lương theo sản phẩm, khi điều chỉnh LTT vùng sẽ đưa cơ cấu tiền lương mới vào giá thành sản phẩm.
Từ đó, quỹ tiền lương tăng lên và về cơ bản NLĐ sẽ được hưởng trong lần tăng lương này. Song, với đơn vị tính lương theo sản phẩm, cơ cấu tiền lương theo đơn giá gia công hầu hết chiếm 60%. Khi giá gia công giảm và năng suất lao động công nghiệp không tăng, mà điều chỉnh tiền LTT vùng sẽ không tác động đến thu nhập thực tế của NLĐ.
Vì vậy trong phiên đàm phán LTT vùng năm 2024 của HĐTLQG, ông Nguyễn Thái Dương đề nghị các bên liên quan cần cân nhắc, so sánh những yếu tố tác động tiêu cực của việc tăng lương; đồng thời cần tính toán LTT tăng ở mức hợp lý, hài hòa với quyền lợi của NLĐ và khả năng chi trả của DN, song phải đủ bù trượt giá.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thành viên HĐTLQG, từ kết quả về khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023, có những thông số cần quan tâm: Tăng số lao động không bảo đảm được nhu cầu chi tiêu tối thiểu. Qua đại dịch COVID-19, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, khiến NLĐ càng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tiền thuê nhà của CN là cao với gần 1,8 triệu đồng/phòng (ở vùng I), cao hơn so với tính toán trong mức LTT. Bên cạnh đó, tỉ lệ chi tiêu phi lương thực - thực phẩm trong thực tiễn khác xa với tỉ lệ trong tính toán mức LTT hằng năm. "Đây là 3 thông số chúng tôi nghĩ HĐTLQG cần xem xét để có thương lượng, tính toán phù hợp với thực tiễn" - ông Quảng nói.
HĐTLQG được thành lập từ năm 2013. Từ năm 2014 đến nay, qua 8 lần điều chỉnh, LTT vùng đã tăng trên 72%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền LTT và mức sống tối thiểu. Cụ thể: Năm 2014 tăng 15,2%; năm 2015 tăng 14,2%; năm 2016 tăng 12,4%; năm 2017 tăng 7,3%; năm 2018 tăng 6,5%; năm 2019 tăng 5,3%; năm 2020 đến hết tháng 6-2022 tăng 5,5%; từ tháng 7-2022 đến nay tăng 6%.
8,1% NLĐ có tích lũy từ tiền lương
TS Phạm Thị Thu Lan cho biết kết quả khảo sát từ 2.982 phiếu cho thấy có 8,1% NLĐ có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% NLĐ và quyết định con của 72% NLĐ. Có tới 17,6% CN không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp.
Có tới 46,5% NLĐ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh; 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh; 6,5% NLĐ cho biết bị ốm đau không chữa gì mà vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi...
Chị Lê Thị No, Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM):
Chỉ mong lương đủ sống
Hai vợ chồng tôi làm CN đã hơn 10 năm nhưng thu nhập chỉ vừa đủ sống, chẳng tích lũy được gì. Từ đầu năm, do công ty giảm giờ làm nên hai vợ chồng chỉ đi làm 4-5 ngày/tuần khiến thu nhập giảm sút đáng kể, tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mỗi tháng vợ chồng phải chi cố định 2 triệu đồng tiền trọ và điện nước, 5 triệu tiền ăn học cho con út và cha mẹ già ở quê. Chỉ còn lại 4-5 triệu đồng, phải gói ghém để vừa phải lo cho đứa con lớn đang học lớp 12 vừa lo chi phí ăn uống cho cả nhà, chưa kể các khoản phát sinh ốm đau, đám tiệc... nên cứ thiếu trước hụt sau. Tôi chỉ mong LTT được điều chỉnh hợp lý để CN ổn định cuộc sống.
Ông LƯU KIM HỒNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức):
Tăng là cần thiết
Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 có khó khăn nhưng trong 6 tháng cuối năm, nhiều DN đã có đơn hàng và tuyển dụng lao động trở lại. Trong thời gian DN khó khăn, giảm đơn hàng, NLĐ không được tăng ca, thu nhập giảm sút, điều này càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của họ. Vì thế, việc tăng LTT rất cần thiết còn mức tăng bao nhiêu tôi nghĩ HĐTLQG nên xem xét thấu đáo để hài hòa lợi ích DN và NLĐ.
H.Đào - H.Như ghi
|