Thứ sáu, 16/07/2021,07:21 (GMT+7)
Tạo lực đẩy nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học (NCKH) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh (HS), sinh viên (SV). Qua đó, người học có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, làm việc ngay khi ra trường. Tuy NCKH vẫn còn nhiều khó khăn đối với một số cơ sở đào tạo, đặc biệt là ở các trường cao đẳng, nhưng công tác này luôn được các đơn vị nỗ lực vượt khó thực hiện.
Lê Minh Khôi cùng bác sĩ Bệnh viện Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ thao tác máy cắt túi ép khử khuẩn - sản phẩm từ đề tài NCKH.
 
Chú trọng NCKH ứng dụng thực tiễn
 
Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 5 trường đại học (ÐH), 2 phân hiệu ÐH và nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại các đơn vị này, hoạt động NCKH luôn được chú trọng, tạo điều kiện để giảng viên, học viên thực hiện các đề tài, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo hoặc mở rộng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Một trong những sáng kiến điển hình là đề tài “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất máy rửa tay sát khuẩn và máy cắt túi ép khử khuẩn” của Lê Minh Khôi, SV ngành Bác sĩ Y học dự phòng, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ. Minh Khôi đã chế tạo những chiếc máy có công năng khử khuẩn, giúp chủ động phòng, chống dịch COVID-19, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với Minh Khôi, việc tham gia NCKH giúp bản thân hiểu sâu hơn kiến thức chuyên môn, từ đó ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
 
Với bề dày truyền thống là trường ÐH đầu tiên ở khu vực ÐBSCL, công tác NCKH và chuyển giao công nghệ tại Trường ÐH Cần Thơ đi vào chiều sâu, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở ÐBSCL và cả nước. Nổi bật nhất là chương trình nghiên cứu cải tạo đất phèn vùng ÐBSCL đã giúp gần 5 triệu héc-ta đất phèn hoang hóa trong vùng trở thành đất sản xuất hiệu quả. Hay như chương trình nghiên cứu tôm - artémia đã cải thiện đời sống người dân ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu… Ðặc biệt là thành công của chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi nhân tạo các giống cá tra đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần đưa xuất khẩu thủy sản của ÐBSCL phát triển mạnh. Hằng năm, Trường ÐH Cần Thơ dành nhiều tỉ đồng hỗ trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, SV. Hội đồng khoa học trường xây dựng định hướng phát triển NCKH trong giai đoạn 5-10 năm, đồng thời giao về các tiểu ban để xây dựng lĩnh vực tập trung nghiên cứu và đặt hàng giảng viên, SV thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để NCKH phát triển.
 
Với các trường cao đẳng (CÐ), hoạt động NCKH cũng phát triển theo điều kiện thực tế của đơn vị. Tại Trường CÐ Cần Thơ, bình quân hằng năm có từ 30-40 đề tài cấp cơ sở, được đánh giá là đơn vị có số lượng đề tài NCKH nhiều nhất trong khối trường CÐ tại thành phố. NCKH được nhà trường xem là một trong ba nhiệm vụ quan trọng đối với giảng viên. TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Cần Thơ, cho biết: “Hoạt động NCKH không chỉ giúp nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên, mà còn nâng cao vị thế của trường khi có những đề tài mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống”. Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, Trường CÐ Cần Thơ đã tổ chức triển khai và công nhận 186 đề tài, 151 tập bài giảng/giáo trình và 264 sáng kiến/giải pháp của đội ngũ. Nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực Khoa học xã hội, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học tự nhiên…
 
Thúc đẩy phong trào NCKH
 
Tại Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ và CÐ Y tế Cần Thơ, để thúc đẩy phong trào NCKH phát triển, các trường khuyến khích và tạo điều kiện cho HSSV năm cuối thực hiện các đề tài nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. HSSV sẽ được thực hiện các đề tài NCKH tại trường hoặc tại các doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành, HSSV sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội đồng khoa học của các khoa tại trường. Với những HSSV có năng lực nghiên cứu sẽ được các thầy, cô tuyển chọn cùng tham gia thực hiện đề tài do thầy cô làm chủ nhiệm. Hoặc thông qua các phong trào khởi nghiệp do Ðoàn, Hội SV phối hợp với các tổ chức bên ngoài nhà trường triển khai, HSSV được khuyến khích tham gia thực hiện các đề tài NCKH. 
 
Theo cô Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Phòng Khoa học Công nghệ, Trường CÐ Y tế Cần Thơ, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm trường có khoảng 10-15 đề tài NCKH, tập trung vào công tác chuyên môn, một số bài báo chuyên ngành được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế. Riêng trong năm 2021, trường có đề tài NCKH cấp thành phố. Cô Phạm Thị Thúy Hằng cho biết số lượng đề tài, bài báo so với tỷ lệ cán bộ giảng dạy tuy vẫn còn ít so với yêu cầu, nhưng đạt chất lượng. Thực tế giảng viên làm NCKH sẽ được quy đổi giờ chuẩn giảng dạy, nhưng khối lượng công việc giảng dạy và các hoạt động chuyên môn khác của giảng viên quá nhiều. “Dù vậy, lãnh đạo trường rất quan tâm công tác này, cụ thể năm nay đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, định chỉ tiêu thực hiện đề tài NCKH các cấp, cũng như chi phí cho mỗi đề tài các cấp để khuyến khích cán bộ, giảng viên thực hiện”, cô Phạm Thị Thúy Hằng cho biết thêm. Bên cạnh đó, Trường CÐ Y tế Cần Thơ còn có học phần giảng dạy chuyên về NCKH, chủ yếu hướng dẫn SV làm đề cương và làm cộng sự của giảng viên để thực hiện đề tài.
 
Theo TS Hồ Thanh Tâm, rào cản lớn trong NCKH ở các trường CÐ là chưa có được môi trường hỗ trợ; chính sách quy định của ngành khoa học - công nghệ chưa đủ khuyến khích cán bộ, giảng viên làm nghiên cứu. Bên cạnh đó, quy định chuẩn của cán bộ giảng dạy cơ sở giáo dục nghề đạt trình độ cử nhân, nên chưa khuyến khích cán bộ học bậc học cao hơn, đặc biệt là làm nghiên cứu sinh vốn đòi hỏi phải có đề tài NCKH. TS Hồ Thanh Tâm đề xuất: “Ðối với giảng viên có trình độ cử nhân là đạt chuẩn quy định, nhưng có thể quy định trong số này có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cán bộ giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ để khuyến khích thầy cô học nâng chuẩn, tham gia NCKH”.
 
Bài, ảnh: B.Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu