Thứ ba, 12/01/2021,10:20 (GMT+7)
Tập vật lý trị liệu cho người đột quỵ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Người sống sót sau đột quỵ phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề, phổ biến là liệt nửa người. Tập vật lý trị liệu được xem là giải pháp hữu hiệu giúp người bệnh phục hồi chức năng, tự chủ trong cuộc sống.
Kỹ thuật viên Bùi Thị Trinh hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho người bệnh.
 
Cần sự kiên trì 
 
Chú H. M. Q (60 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là đầu bếp cho một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh, trong lúc làm việc bị đột quỵ. Chú Q được đưa đi cấp cứu và phẫu thuật điều trị. Sau mổ, gia đình đưa chú Q về Cần Thơ, nhập viện Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ tập vật lý trị liệu. Khi đó, chú liệt nửa người bên trái, không cử động tay chân, tri giác lơ mơ, không nói chuyện được. Qua 3 đợt điều trị, tập vận động tại đây, tình trạng sức khỏe và vận động của chú Q cải thiện rõ rệt. Ðến nay, chú có thể ngồi vững, chống gậy tự đi, phản xạ tốt. Chú Q cho biết: “Hồi chưa bệnh, sức khỏe mười phần, tới bệnh thì không còn phần nào, tưởng không qua khỏi. Thời gian qua, cán bộ y tế nhiệt tình hỗ trợ, bản thân tôi cũng quyết tâm tập luyện, giờ sức khỏe đã hồi phục được 5 phần rồi. Mừng lắm!”. 
 
Kỹ thuật viên Bùi Thị Trinh, Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, BV Ða khoa TP Cần Thơ, cho biết: Khoa lập kế hoạch và thực hiện điều trị cho từng người bệnh, dựa trên lượng giá các vấn đề riêng biệt của người bệnh, thiết lập và hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan. Các mục tiêu này được thảo luận với người bệnh, người chăm sóc và các thành viên khác trong nhóm kỹ thuật viên để đạt hiệu quả phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân.
 
Yếu tố quan trọng làm nên thành công của việc tập phục hồi chức năng là sự hợp tác giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, thể hiện ý chí kiên trì của người bệnh muốn vượt qua bệnh tật, sớm hồi phục sức khỏe. Có người sau phát bệnh bi quan, chán nản. Các kỹ thuật viên áp dụng tâm lý trị liệu cho những bệnh nhân này, khi họ ổn định mới bắt đầu tập. Sự hỗ trợ của người thân có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình kiên trì theo đuổi mục tiêu tập luyện phục hồi chức năng của người bệnh. Tuy nhiên, sự ủng hộ của người nhà thường tập trung vào giai đoạn đầu, thời gian sau lại buông xuôi cho bệnh nhân. Theo kỹ thuật viên Bùi Thị Trinh, mỗi người bệnh có hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế khác nhau. Người đang khỏe mạnh bị đột quỵ, bị liệt phải nằm một chỗ, nảy sinh tâm trạng u uất, không kiểm soát được cảm xúc, nhiều khi cáu gắt vô cớ. Các kỹ thuật viên phải tạo được sự tin cậy và đồng cảm với người bệnh để giúp họ ổn định tâm lý, kiên trì luyện tập cải thiện sức khỏe.
 
Tập luyện sớm, phục hồi nhanh
 
Ðột quỵ não là một dạng bệnh lý của mạch máu, gây tổn thương nặng và phức tạp. Người bệnh gánh chịu nhiều di chứng như rối loạn tri giác, nhận thức, các khiếm khuyết vận động, rối loạn giác quan cũng như kèm theo rất nhiều các thương tật thứ phát như teo cơ, cứng khớp, loét tì ép, huyết khối tĩnh mạch, bội nhiễm phổi, nhiễm trùng tiết niệu. Di chứng nặng nề và phổ biến nhất là liệt nửa người với tỷ lệ hơn 80% trong tổng số người bị đột quỵ. Ngoài ra, những di chứng khác có thể gặp như tổn thương về ngôn ngữ, rối loạn tâm lý và cảm xúc.
 
BS CKII Huỳnh Thanh Vũ, Trưởng Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, BV Ða khoa TP Cần Thơ ghi nhận, đột quỵ xảy ra phổ biến ở độ tuổi trung niên, xu hướng ngày càng trẻ hóa, có người phát bệnh sau tuổi 30. Hầu hết có bệnh lý nền, tiền sử thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá và lối sống tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Sau đột quỵ, càng tập sớm thì khả năng phục hồi càng nhanh, hiệu quả cải thiện cao. Theo một đề tài nghiên cứu năm 2020 do BS Huỳnh Thanh Vũ làm chủ nhiệm, kết quả phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân đột quỵ bị di chứng bằng phương pháp điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt tại Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, BV Ða khoa TP Cần Thơ đạt hiệu quả lên đến 80%.
 
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thời gian thích hợp nhất để tập vật lý trị liệu là thời điểm sau 24 giờ khi khởi phát đột quỵ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân tập các tư thế thụ động. Qua 48-72 giờ, bệnh nhân bắt đầu các bài tập chủ động. Theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân đột quỵ bị tổn thương các tế bào não thì sau đó có hiện tượng não tự cấu trúc lại. Việc tập luyện tích cực trong khoảng thời gian 3-6 tháng sẽ kích hoạt được hệ thống các tế bào thần kinh đang ở trạng thái chờ, bù trừ cho vùng não bị tổn thương.
 
BS Vũ chia sẻ, nhiều bệnh nhân đột quỵ tiên lượng rất nặng, sau quá trình tập luyện, có sự hồi phục đáng kể. Như trường hợp một bệnh nhân trên 60 tuổi, bị đột quỵ, tình trạng nguy kịch, viêm phổi nặng, đặt nội khí quản, được điều trị liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của BV trong thời gian dài. Sau khi tình trạng thuyên chuyển ổn định, bệnh nhân được đưa lên Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng để tập vật lý trị liệu. Sau 3 đợt điều trị, tình trạng bệnh nhân tiến triển rất tốt. Bệnh nhân tự thở, ngồi dậy được, đứng giữ thăng bằng. Bệnh nhân đang tiếp tục các đợt tập luyện.
 
Bác sĩ Huỳnh Thanh Vũ khuyến cáo, sự gia tăng của bệnh lý đột quỵ trong xã hội hiện đại có mối liên quan mật thiết với lối sống của cộng đồng, do vậy, mọi người cần chủ động phòng bệnh hơn trị bệnh. Ðó là thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm lượng muối natri, tăng lượng hoa quả, tăng cường dầu cá, ít chất béo và khẩu phần ăn; giảm tiêu thụ rượu bia, ngừng hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày; tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn) 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu