Thứ năm, 18/06/2020,07:23 (GMT+7)
Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Dù công việc đơn giản hay phức tạp cũng khó lường trước được những rủi ro, tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc. Do đó, tuân thủ an toàn lao động và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, để người lao động có thêm “điểm tựa” nếu không may bị tai nạn lao động !
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến gia đình thăm hỏi, động viên anh Tám. 
 
Người lao động nên biết và mua BHXH bắt buộc
 
Nhìn đứa cháu nội hồn nhiên vui đùa, bà Dương Thị Hai, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy ứa nước mắt. Bởi đứa cháu nội đáng thương của bà đã mất đi người cha thân yêu, do bị tai nạn lao động… Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khá khó khăn, mấy năm trước người con trai của bà đi Bình Dương làm thuê. Nhờ có công việc này, mỗi tháng cũng gửi về cho bà vài triệu đồng. Cách đây gần một năm, trong lúc thi công công trình, con trai bà đã bị tai nạn lao động và ra đi mãi mãi.
 
Do không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên gia đình vừa chịu nỗi đau mất người thân vừa không được hưởng quyền lợi của người lao động. Bà Hai chia sẻ: “Tôi chỉ biết con đi làm phụ hồ, không có nghe nói gì về tham gia BHXH. Mong sao những tai nạn lao động như thế này đừng xảy ra nữa”.
 
Còn anh Lê Văn Tám, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cũng đã bị tai nạn lao động, nên việc đi đứng rất khó khăn. Cách đây 6 năm trong lúc đi phụ hồ xây cầu ở địa phương, anh Tám đã bị thanh sắt ngã vào lưng, do không trang bị bảo hộ lao động nên anh đã bị chấn thương cột sống. Ba năm đầu, anh chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người thân giúp đỡ. Từ lao động chính, chỉ vì tai nạn lao động anh Tám trở nên bất lực trước cuộc sống. Sau khi vết thương dần hồi phục, sức khỏe khá hơn, anh Tám đã tập đi lại để sớm trở lại cuộc sống bình thường. “Bị cây ngã trúng nên cột sống bị như thế này. Hơn 3 năm nay, ngày nào tôi cũng tập đi, hy vọng có thể đi đứng bình thường, kiếm chuyện gì đó để làm. Chứ ngồi một chỗ sống khổ lắm, không làm gì được hết, mọi chuyện đều phải nhờ người khác giúp đỡ. Hồi trước còn đi làm có tiền lo cho cha, giờ để cha chăm sóc, lo cho mình, tôi thấy buồn lắm”, anh Tám bộc bạch.
 
Nhìn con mỗi ngày khập khiễng tập từng bước chân, ông Lê Văn Lợi, cha anh Tám luôn động viên tinh thần cho anh, dẫu biết rằng, để những bước chân của anh trở lại bình thường như trước đây là chuyện không dễ, đòi hỏi thời gian lâu dài, nhưng với tình cảm của người cha, ông luôn động viên để anh Tám ngày ngày cố gắng tập luyện.
 
May mắn hơn con trai của bà Hai, anh Tám, chị Nguyễn Thị Đựng, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp làm trong công ty và tham gia BHXH bắt buộc. Mấy tháng trước, trong lúc đi làm về chị bị tai nạn giao thông, đi lại khó khăn, suy giảm khả năng lao động trên 5% được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động trên 12 triệu đồng. “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống cũng khó khăn lắm, nhất là khi tôi không đi làm được. Số tiền từ bảo hiểm tai nạn lao động này, giúp tôi xoay sở tiền thuốc men và lo chi phí trong gia đình”, chị Đựng chia sẻ.
 
71 người bị thương do tai nạn lao động, nhưng chỉ có 28 trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm
 
Trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 70 vụ tai nạn lao động, làm 71 người bị thương, ngoài ra có 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người. Trong số 71 người bị tai nạn lao động, chỉ có 28 trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm, phần lớn là lao động làm theo thời vụ, không có hợp đồng lao động nên chuyện tham gia BHXH bắt buộc chưa được người lao động và chủ sử dụng lao động quan tâm.
 
Từ ngày 15-7-2020, theo Nghị định số 58 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng bằng 0,3%, thấp hơn 0,2% so với quy định hiện hành Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu bảo đảm các điều kiện như trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.
 
Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất. Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
 
Hậu quả từ các vụ tai nạn lao động rất nặng nề, không chỉ lấy đi tính mạng sức khỏe của các nạn nhân mà còn thiệt hại về kinh tế. Để tai nạn lao động không còn là nỗi ám ảnh, mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ việc tham gia BHXH bắt buộc đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, vì quyền lợi của người lao động.
 
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu