Thứ tư, 18/11/2020,10:30 (GMT+7)
Thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi biên giới
Đội ngũ giáo viên đang ngày đêm bám trụ tại các trường giáp biên giới đã và đang hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận xa gia đình, con cái để dạy dỗ, chăm sóc và chắp cánh ước mơ cho học trò vươn xa
Đường lên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nằm trong khu vực biên giới Việt - Trung xa tít tắp, chìm trong màn mưa cuối thu, đầu đông. Anh tài xế giàu kinh nghiệm đi đường đèo dốc phải thừa nhận đây là một trong những tuyến đường hiểm trở nhất anh từng đi với những đoạn dốc cheo leo, nhỏ hẹp.
 
Xa con triền miên để gần trò dạy dỗ
 
Cô Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tung Qua Lìn, đón chúng tôi và dẫn qua trạm y tế xã đo nhiệt độ để phòng chống Covid-19 theo quy định khi đến vùng biên giới. Cô Hương là người dân tộc Thái, cô đã có 16 năm bám trụ với các trường vùng cao của huyện Phong Thổ và với ngôi trường giáp ranh biên giới này, cô làm quản lý được 5 năm. 500 học sinh của trường gồm 90% là dân tộc Mông, 10% là dân tộc Hà Nhì, phần lớn thuộc diện nghèo, vốn tiếng Việt vô cùng hạn chế. "Đây chưa phải là mùa rét, chứ vào đông nhiều lúc nhiệt độ xuống 0 độ C, nhìn các con đến trường mặt lấm lem, người đỏ ửng lên vì áo không đủ ấm, thương vô cùng" - cô Hương vừa nhìn lũ trẻ đứng nép sát vào nhau ở sân trường khi thấy người lạ đến vừa nói.
Thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi biên giới - Ảnh 1.
Cô Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tung Qua Lìn, trao quà cho học sinh nghèo
 
30 giáo viên của ngôi trường này chắc chắn phải có thật nhiều bản lĩnh và tình yêu thương học sinh mới vượt qua được cảnh quanh năm quanh quẩn nơi ngôi trường xa xôi bao bọc là đồi núi, sương mù, giá lạnh... Ngôi trường dù đã được xây kiên cố 2 tầng nhưng dãy phòng công vụ cho giáo viên vẫn là mái ngói đơn sơ, mỗi phòng chỉ có một chiếc giường, tủ quần áo và bàn làm việc. Khi học sinh tan học ra về, tiếng nói cười xa dần cũng là lúc các thầy cô thẫn thờ trong sự vắng lặng và hắt hiu.
 
Vậy mà nhiều giáo viên nguyện gắn bó cả tuổi thanh xuân ở vùng cao như cô giáo Hoàng Thị Doan, quê Thái Bình. Sinh năm 1980, từ khi ra trường cô đã viết đơn tình nguyện lên ngôi trường biên giới này và gắn bó cho tới nay đã 18 năm. Từ ngôi trường này, cô được một đồng nghiệp yêu thương và nên vợ chồng, cùng bền bỉ bám trụ để dạy dỗ bọn trẻ vùng cao. Hai vợ chồng mấy tháng mới về nhà một lần vì đường sá xa xôi, hiểm trở. "Bà ngoại phải từ quê lên thị xã trông cháu thay cho bố mẹ đi dạy các con ở đây. Thời gian dành cho con mình rất ít ỏi..." - cô Doan rưng rưng.
 
Cô Bùi Thị Nương, người dân tộc Mường từ tỉnh Hòa Bình, lên dạy học ở đây cũng gần chục năm. "Các em rất hiếu học nhưng vào mùa vụ phải phụ cha mẹ làm nương. Vào mùa giáp hạt ở đây thường có mưa đá, mất mùa..., nhiều em đi học mà không có cái ăn. Cha mẹ các em thì lo làm nương nên không quan tâm chuyện học hành của con. Nếu không yêu thương, quan tâm, các em sẽ bỏ học mất..." - đó là lý do cứ níu chân cô Nương ở lại dù con của cô mới tròn 1 tuổi.
 
Học trò phải dậy đi học từ 5-6 giờ, vượt qua quãng đường 4-5 km nên hầu hết thầy cô của trường phải dậy sớm, đi xe máy xuống bản đón các em. "Học sinh rất dễ bỏ học vì đường sá xa xôi và thời tiết khắc nghiệt. Các em dân tộc Mông hình thể vốn bé nhỏ, phải đi học khi trời còn chưa sáng nên thầy cô không đành lòng để các em đi bộ" - cô Lù Thị Lan Hương nói.
 
Bám trụ vì thương học trò
Để đến được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nà Hỳ 2 (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; giáp biên giới Việt - Lào), chúng tôi phải vượt qua rất nhiều đồi núi, cầu treo, suối, thác..., có lúc phải đi bộ rồi được thầy cô của trường đi xe máy ra đón. Học sinh của trường có 70% là dân tộc Mông và 30% là dân tộc Dao. Trường còn có 8 điểm trường nằm rải rác trong các bản, làng. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 ở lại trường cuối tuần mới về nhà, nên tuổi thơ và sự lớn khôn của các em gắn với thầy cô giáo.
Thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò nơi biên giới - Ảnh 2.
Cô Lưu Thị Luyến, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nà Hỳ 2, đang trong giờ lên lớp. Cô Luyến đã 8 năm xa nhà, xa con để gắn bó với các em học sinh nơi đây
 
Cô Lưu Thị Luyến, người dân tộc Thái, về nhận công tác tại trường được 8 năm. Cô nhớ lại thời gian đầu về trường rất khó khăn khi giao tiếp với học trò do bất đồng ngôn ngữ, phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để các em tiếp thu bài học. Cũng như bao thầy cô khác, cô Luyến phải xa con từ khi con mới lọt lòng đến nay bé đã học lớp 3. Mỗi năm cô chỉ được gặp con vào dịp hè và Tết, còn lại thì dành tất cả cho học sinh vùng biên. "Niềm vui nhen lên khi học sinh tiếp thu được bài, nghe các cháu ê a... là tạm quên nỗi buồn xa nhà, nhớ con" - cô Luyến bộc bạch.
 
Cô Dương Thị Tuyết, quê ở Phú Thọ, cho hay khi biết trường thiếu giáo viên, cô đã làm đơn tình nguyện xin về trường. "Học sinh ở đây rất hiền và ngoan. Nhiều em nhà cách trường 15 km nên giáo viên thường xuyên phải đến các gia đình để vận động, cho các em được ở lại trường học chữ. Thầy cô phải quan tâm, yêu thương, chăm lo cho các em như con để các em bớt trống trải phải xa nhà khi còn quá nhỏ" - cô Tuyết chia sẻ.
 
Do học sinh chỉ có được một chiếc áo trắng đồng phục nên giáo viên ở đây tan học phải giặt áo cho các em mỗi ngày, mỗi cô giặt 30-40 chiếc áo phơi khô để hôm sau các em mặc lại. Từ miếng cơm, giấc ngủ đến chuyện học hành đều một tay các thầy cô ở đây lo. Cô Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nà Hỳ 2, cho biết 90% học sinh thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn. Các con không được học mẫu giáo, vào lớp 1 chưa biết cách phát âm nên giáo viên rất vất vả.
 
"Đối với học sinh vùng cao, cha mẹ cho con đi học là sự giằng xé giữa cái ăn và con chữ. Khi nhìn thấy các con đến trường, thấy các con chịu đọc, chịu viết, chúng tôi mừng lắm vì đội ngũ giáo viên đã phần nào bù đắp cho cuộc sống vốn rất thiếu thốn của các em. Nhiều em mơ ước được đi Hà Nội học đại học và vươn xa, đó là động lực để chúng tôi nỗ lực bám trụ, chắp cánh ước mơ cho các em..." - cô Lò Thị Thùy xúc động nói. 
 
Chia sẻ, biểu dương sự nghiệp trồng người nơi "rẻo cao"
 
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 tuyên dương các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số đã được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc... tổ chức tối 17-11 tại TP Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã động viên, chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo tại lễ tuyên dương.
 
Những nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và giảng dạy, những quan tâm trăn trở đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước, sự phát triển của quê hương... đã được các thầy giáo, cô giáo chia sẻ trong chương trình. Năm nay, các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
 
Trước đó, sáng cùng ngày, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Hoàng Thị Hạnh chủ trì buổi gặp mặt các giáo viên tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020. Trò chuyện với các đại biểu, bà Hoàng Thị Hạnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực cho sự nghiệp "trồng người" nơi rẻo cao của các thầy giáo, cô giáo.
 
Đối với những đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh khẳng định sẽ giao các vụ chức năng của Ủy ban Dân tộc tổng hợp, rà soát, tham mưu với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách bảo đảm phù hợp, thiết thực để đồng hành, hỗ trợ lực lượng giáo viên dân tộc thiểu số. Bà Hoàng Thị Hạnh cũng đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" tặng 63 đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.
 
Y.Anh
 
Bài và ảnh: Thùy Vinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu