Thứ tư, 13/05/2020,10:29 (GMT+7)
Tháng 5 hàng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân
Đây là một điểm mới theo Quyết định 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nhân viên đại lý thu tăng cường đến nhà tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
 
Thống nhất từ quan điểm đến hành động thực tiễn
 
Đề án của Chính phủ về đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH được xây dựng nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Trên cơ sở quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là thực hiện BHXH toàn dân, đề án của Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH đến người dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.
 
Trong các giải pháp, Chính phủ chỉ đạo: Lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Theo đó, hằng năm tổ chức Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nhằm tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.
 
Từ thực tiễn công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thời gian qua và đặc biệt qua việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam - 1/7, có thể thấy, việc tổ chức truyền thông theo chiến dịch sẽ tạo ra những hiệu ứng truyền thông tích cực. Thông qua các hoạt động, sự kiện truyền thông được tổ chức đồng thời trên khắp cả nước bằng nhiều hình thức, từ truyền thông trực quan, trực tiếp đến truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với mật độ thông tin được tăng cường trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân sẽ tạo sự cộng hưởng lớn, tác động mạnh đến cộng đồng; trước hết là cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, nhân dân.
 
Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Tháng triển khai, vận động toàn dân tham gia BHXH
 
Trong năm đầu tiên thực hiện Tháng cao điểm vận động triển khai BHXH toàn dân, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương cần phát huy vai trò tham mưu để cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác truyền thông BHXH nói chung và Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nói riêng. Phát huy bài học kinh nghiệm từ hoạt động truyền thông kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam – 1/7, truyền thông thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT. Những định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH và nhất là các yêu cầu nhiệm vụ tại Quyết định 1676-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là kim chỉ nam để cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ.
 
Trong các mục tiêu được nêu tại Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH đến năm 2025, 2030 là 100% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền về những nội dung cải cách chính sách BHXH. Như vậy, trước mắt, cần tập trung truyền thông tới nhóm cán bộ, đảng viên cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó lan tỏa đến người lao động.
 
Bên cạnh đó, từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, cho thấy cần có sự linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ, nhanh chóng thay đổi phù hợp với thực tế, nhất là đảm bảo yêu cầu an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Do đó, tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ với các sản phẩm truyền thông có chất lượng về nội dung, hình thức như: video clip, mega story, infographics...
 
Song song với việc tổ chức tuyên truyền BHXH dựa trên nền tảng công nghệ, chúng ta cũng cần tiếp tục phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp; phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó công nghệ là công cụ để truyền tải, nội dung truyền thông là yếu tố mang tính cốt lõi, không ngừng sáng tạo để có sự đa dạng trong nội dung và hình thức truyền thông.
 
V.H - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu