Thứ ba, 04/08/2020,10:22 (GMT+7)
Thanh long ứng dụng công nghệ cao: Hướng đi tất yếu
Sau thời gian “ăn nên làm ra” với cây thanh long, người dân Châu Thành (tỉnh Long An) bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch gặp khó khăn, việc sản xuất thanh long theo hướng công nghệ cao trở thành hướng đi tươi sáng nhất.
Từ khi mới bắt đầu trồng thanh long, anh Nguyễn Hoàng Vũ đã tham gia mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao (Thanh long trồng theo giàn, lắp hệ thống tưới tự động, nền vườn trải nylon, sạch cỏ kết hợp trồng hoa quanh vườn)
 
Kỳ vọng của nông dân
 
Vườn thanh long của anh Nguyễn Hoàng Vũ (ấp Bình Thạnh, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) được trồng theo giàn, lắp hệ thống tưới tự động. Nền đất trong vườn được trải nylon, hạn chế được cỏ dại. Hệ thống hào nước bao quanh vườn được lắp hệ thống thoát nước tự động. Anh Vũ cho biết: “Đợt này, giá bấp bênh, thanh long bị bệnh nhiều nhưng vườn nhà tôi không bị sâu bệnh”. Từ khi mới bắt đầu trồng thanh long, anh Vũ đã tham gia mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Trước khi bắt tay vào trồng thanh long, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc. Anh chia sẻ: “Tôi luôn tâm đắc cách trồng thanh long ƯDCNC vì vừa tạo được nguồn sản phẩm có giá trị cao, vừa giảm công chăm sóc và tăng năng suất. Như thanh long vườn nhà tôi giá khoảng 15.000 đồng/kg là có lời rồi”.
 
Đó cũng là điều rất nhiều nông dân mong mỏi, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Thành Lộc (ấp Bình Trị 1, xã Thuận Mỹ) cho biết, vừa đăng ký tham gia mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC vào đầu năm 2020, bởi theo ông, đó là hướng khả quan cho cây thanh long trong thời gian tới. Ông khẳng định: “Bây giờ, nếu Nhà nước không hỗ trợ kinh phí thì tôi cũng tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC vì chỉ có như vậy mới có được đầu ra thuận lợi”.
Trong hành trình thực hiện thanh long ứng dụng công nghệ cao, nông dân không hề đơn độc mà luôn có sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương từ huyện đến xã
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, trong đó có việc sản xuất thanh long. Trước đây, khoảng 80% thanh long Châu Thành xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng suốt thời gian qua, biên giới bị siết chặt do dịch bệnh nên ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thanh long dẫn đến tình trạng “tồn hàng, tuột giá”. Giá thanh long liên tục giảm, đầu ra ngày càng khó khăn, khi trái thanh long Châu Thành chưa thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính khác. Đây cũng là lúc mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC được đặt nhiều kỳ vọng sẽ là giải pháp hiệu quả nhất cho bài toán thanh long Châu Thành.
 
Nghị quyết hợp lòng dân
 
Thông qua công tác tuyên truyền tại cơ sở, người dân dần nắm được hiệu quả thiết thực và sự cần thiết sản xuất thanh long ƯDCNC. Chỉ có cách sản xuất sạch, bền vững mới có thể giúp nông dân trụ vững với cây thanh long. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Minh Hồng cho biết, trong thực hiện mô hình thanh long ƯDCNC, nông dân luôn được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương từ huyện đến xã. Nhiều lớp tập huấn được mở, nhiều chương trình hỗ trợ được thực hiện, các tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy việc sản xuất thanh long ƯDCNC.
Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có 203 mô hình tưới nước tiên tiến, trong đó có 34 mô hình trong đề án và 169 mô hình ngoài đề án (Trong ảnh: Một mô hình tưới nước nhỏ giọt tại xã Dương Xuân Hội được thực hiện từ năm 2017)
 
Mỗi tuần, ông Lê Minh Mẫn (cán bộ Kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành) đều xuống thăm vườn thanh long của nông dân tại xã mình phụ trách. Ông đến tận vườn quan sát, kiểm tra quy trình chăm sóc thanh long, ghi chép sổ sách của chủ vườn để hỗ trợ, hướng dẫn thêm khi cần thiết. Không chỉ riêng ông Mẫn, hầu như tất cả cán bộ kỹ thuật, kỹ sư của huyện đều biết rõ từng nhà, từng vườn của các hộ dân tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC ở địa phương mình phụ trách. Bởi, ngoài các lớp tập huấn kỹ thuật tập trung định kỳ và theo yêu cầu, hàng tuần, hàng tháng, các anh đều phải xuống gặp nông dân, theo sát quá trình canh tác của nông dân để bảo đảm việc sản xuất thanh long ƯDCNC đạt hiệu quả. Ông Mẫn nói: “Để thực hiện tốt mô hình, mỗi xã đều có cán bộ huyện phụ trách theo dõi, đôn đốc. Chúng tôi đến kiểm tra ngẫu nhiên hàng tuần để có thể hỗ trợ kịp thời khi cần thiết. Ngoài ra, cán bộ, đoàn thể tại địa phương sẽ “theo sát” từng nông dân trong quá trình thực hiện mô hình”.
 
Khi tham gia sản xuất thanh long ƯDCNC, nông dân được hỗ trợ hoặc hướng dẫn thực hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả giúp việc sản xuất trở nên an toàn và bền vững hơn. Cụ thể như mô hình tưới nước tiên tiến, ủ phân hữu cơ, thu gom vỏ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP,… Hiện tại, Châu Thành đã hoàn tất chỉ dẫn địa lý cho thanh long Châu Thành, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin và là bước đệm quan trọng để thanh long có thể tiếp cận những thị trường khó tính.
 
Bên cạnh đó, Châu Thành đang ráo riết củng cố hoạt động các hợp tác xã trên địa bàn huyện, tạo nền tảng cho việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Theo ông Hồng, để ký được hợp đồng với doanh nghiệp, nông dân cần ổn định nguồn cung số lượng lớn, đó chính là lúc hợp tác xã phát huy vai trò của mình.
 
Ông Hồng cho biết: “Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 2.000ha thanh long ƯDCNC, Châu Thành đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra, tạo tiền đề tiếp tục phát triển cho các năm tiếp theo. Huyện tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 có 5.000ha thanh long ƯDCNC, trong đó có 3.000ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 300ha được chứng nhận GlobalGAP”. Đó là một định hướng tươi sáng cho hướng đi của cây thanh long. Và định hướng ấy cần sự nỗ lực từ phía chính quyền và cả người dân. Hy vọng rằng, Châu Thành sẽ “thừa thắng xông lên” và đạt những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới./.
 
Nghị quyết thực hiện 2.000ha thanh long ƯDCNC của Châu Thành được đề ra năm 2016. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nghị quyết đã hoàn thành vượt chỉ tiêu. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có trên 2.000ha thanh long ƯDCNC. Dự kiến đến năm 2025, sẽ tăng lên 5.000ha”.
Phương Phương - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu