Thứ tư, 29/01/2020,07:42 (GMT+7)
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm y tế thông minh
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học máy tính, nhất là trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều hướng phát triển đầy tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm y tế thông minh góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân; từng bước cụ thể hóa lộ trình xây dựng y tế thông minh của thành phố…
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm y tế thông minh
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Bình Dân được trao giải nhất Giải thưởng Y tế thông minh 2019.
 
Những sản phẩm sáng tạo
 
Tháng 12-2019, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố và trao giải thưởng “Y tế thông minh” lần 2 cho 20 sản phẩm xuất sắc, gồm bốn giải nhất, tám giải nhì, tám giải ba. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, thể hiện sự vượt khó, dám nghĩ dám làm, tăng thêm giá trị cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà các bệnh viện cung ứng đến người dân.
 
Bệnh viện Nhi Đồng 1 có ba sản phẩm đoạt giải “Y tế thông minh” năm 2019. Trong đó, sản phẩm “Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ nhi khoa” đoạt giải ba, được bệnh viện triển khai từ năm 2006, trong quá trình áp dụng được bổ sung, hoàn thiện theo từng năm dựa trên thực tiễn lâm sàng. Đến nay, hệ thống này có nhiều điểm nổi bật, nhất là hệ thống cảnh báo kê đơn theo hai cấp độ nghiêm trọng và cấp độ thận trọng. Với cảnh báo này, phần mềm sẽ khuyến cáo bác sĩ không nên dùng thuốc đó và chọn lựa phương thức khác. Trường hợp bác sĩ vẫn muốn dùng thì phải nêu rõ lý do trong phần mềm và các lý do sẽ được thống kê, giám sát, phản hồi từ phòng kế hoạch tổng hợp và khoa dược.
 
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong hoạt động khám và kê đơn thuốc cho người bệnh, một trong những mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ kê đơn là làm sao bảo đảm an toàn, hiệu quả, hợp lý, tránh những sai sót đáng tiếc do các lỗi dễ xảy ra. Trong lĩnh vực nhi khoa, mối quan tâm đó lại càng lớn hơn… Những năm gần đây, lỗi do kê đơn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giảm đáng kể, đó là kết quả của việc triển khai hiệu quả ứng dụng phần mềm nhắc kê đơn.
 
Trong khi đó, nhiều bệnh viện gửi tham gia giải thưởng những sản phẩm theo chủ đề báo cáo sự cố y khoa. Mỗi sản phẩm đều thể hiện quyết tâm của bệnh viện trong việc tạo ra các công cụ thuận lợi cho nhân viên y tế báo cáo sự cố, cho cả các chuyên gia quản lý sự cố của bệnh viện. Một trong hai sản phẩm về chủ đề này đoạt giải và được đánh giá cao là “Phần mềm quản lý báo cáo sự cố - IRS” của Bệnh viện Hùng Vương. Đây là công cụ hỗ trợ tích cực cho Phòng Quản lý chất lượng trong công tác quản lý báo cáo sự cố. Phần mềm được xây dựng toàn bộ trên các công cụ mã nguồn mở, các giao diện ứng dụng trên web và thiết bị di động… Mặt khác, khá nhiều sản phẩm đoạt giải “Y tế thông minh” năm 2019 hướng đến người dân như: các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo” của Bệnh viện Quân dân y miền Đông; đăng ký khám bệnh trực tuyến và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ của Bệnh viện Mỹ Đức, quận Phú Nhuận…
 
Thuộc nhóm sản phẩm hỗ trợ nhân viên y tế hay hỗ trợ quản lý hoạt động bệnh viện theo hướng hiện đại, nhanh gọn và chặt chẽ hơn, phải kể đến “Mô hình bệnh viện số” của Bệnh viện quận Thủ Đức; “Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh trật tự trong bệnh viện: Code Grey” của Bệnh viện Nhân dân Gia Định; “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện” của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương… được đánh giá cao bởi phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của bệnh viện.
 
Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động
 
Giới thiệu sản phẩm y tế thông minh “Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: Code Grey”, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sản phẩm này đã giúp đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện tự tin và chủ động hơn trong việc kịp thời ngăn chặn các nhóm người quá khích, có hành vi gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nhớ lại, vào lúc 20 giờ 54 phút ngày 28-4-2019, một bác sĩ công tác tại khoa Chấn thương chỉnh hình đã kích hoạt “Code Grey” với mức độ ba khi phát hiện một nam thanh niên rút dao từ trong áo và lùng sục tìm người bên ngoài hành lang của khoa. Nhận được tín hiệu “Code Grey”, ngay lập tức nhóm an ninh bệnh viện có mặt, rượt đuổi đối tượng. Một nhóm an ninh đang ở vị trí khác quan sát ca-mê-ra theo dõi liên tục hướng di chuyển của đối tượng và thông tin qua bộ đàm cho nhóm an ninh thực hiện nhiệm vụ biết và phân bổ lực lượng ngăn chặn. Tín hiệu cũng ngay lập tức được chuyển đến cơ quan công an địa phương để hỗ trợ. Nhờ vậy, vụ việc được xử lý rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 10 phút.
 
Ba năm trước, Bệnh viện Bình Dân, là đơn vị đầu tiên của khu vực phía nam ứng dụng phẫu thuật bằng rô-bốt trên người lớn. Đến nay, hơn 850 trường hợp được mổ bằng rô-bốt da Vinci tại cơ sở y tế này. Bệnh viện đã ứng dụng phẫu thuật rô-bốt trong các ca phẫu thuật phức tạp của ngoại tổng quát, ngoại lồng ngực và ngoại tiết niệu, tập trung ở các trường hợp phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, bướu bàng quang, ung thư trực tràng, ung thư đại tràng… Phương pháp phẫu thuật bằng rô-bốt có ưu thế nổi trội so với mổ hở hay phẫu thuật nội soi, đó chính là sự tinh tế, chính xác, rõ ràng. Đáng chú ý, khi phẫu thuật bằng rô-bốt, các mô bệnh được lấy hết, những bộ phận phần khác không bị ảnh hưởng; người bệnh ít mất máu, hồi phục nhanh, còn bác sĩ mổ sẽ không vất vả nhiều như các phương pháp mổ khác. Tháng 10-2019, ê-kíp phẫu thuật rô-bốt của Bệnh viện Bình Dân đã được mời sang Bệnh viện General Hospital ở Phi-li-pin để hướng dẫn, chuyển giao cho các bác sĩ triển khai phẫu thuật rô-bốt tại nước này. Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, người cùng ê-kíp Bệnh viện Bình Dân sang hỗ trợ các bác sĩ tại Phi-li-pin chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện thành công phẫu thuật rô-bốt điều trị cho hai người bệnh béo phì với cân nặng hơn 130 kg. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn các bác sĩ Phi-li-pin nhiều bài giảng chuyên sâu về phẫu thuật rô-bốt đường tiêu hóa”.
 
Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức cũng đang nỗ lực thực hiện “số hóa” mọi hoạt động ở bệnh viện, hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh. Khi đến đây, người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như: Đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QR trên thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký qua website hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Người bệnh cũng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt qua QRpay hoặc hóa đơn bằng máy POS, ví điện tử MoMo, thẻ ATM nội địa có kích hoạt Internet Banking (thanh toán trực tuyến) hoặc Master Card, Visa, JCB...
 
Mỗi ngày Bệnh viện quận Thủ Đức khám trung bình hơn 6.500 lượt người bệnh, nhưng hoàn toàn không có tiếng loa gọi tên người bệnh. Tất cả bác sĩ, nhân viên điều dưỡng đều làm việc với máy tính hoặc máy tính bảng khi khám bệnh ở phòng khám và cả trong các khoa nội trú, người bệnh đến không cần mang theo sổ khám bệnh, toa thuốc cũ, tiền mặt... Một cuộc khảo sát nhanh với 124 bác sĩ và nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện quận Thủ Đức bằng 27 câu hỏi và kết quả cho thấy, thời gian trung bình hoàn tất một bệnh án giảm từ 30,56 phút (hồ sơ bệnh án giấy) chỉ còn 18,46 phút (hồ sơ bệnh án điện tử). Có đến 88% số người được phỏng vấn ủng hộ sử dụng bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy trước đây. Hiện, mô hình bệnh viện số đang được nhân rộng tại các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố như: Truyền máu Huyết học; Củ Chi, quận 7…
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng y tế thông minh thành công, một trong những điều kiện cần thiết là củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành y tế. Cùng với đó là tập hợp các chuyên gia công nghệ thông tin và hình thành “Ban công nghệ thông tin” của Sở Y tế, hướng đến thành lập trung tâm công nghệ thông tin của ngành y tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, các ứng dụng sản phẩm y tế thông minh tại thành phố mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm khởi đầu. Để xây dựng y tế thông minh, thời gian tới, các trạm y tế và trung tâm y tế quận, huyện sẽ quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR). Các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử (EMR). Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sẽ ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm,… Riêng Sở Y tế sẽ xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, xây dựng các ứng dụng.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Đây là cơ hội quý giá để ngành y tế thành phố tiếp cận các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực y học hướng đến công tác quản lý, điều hành hoạt động, điều trị và chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn.
 
BÀI VÀ ẢNH: VÕ MẠNH HẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu