Sáu tháng đầu năm 2021, ngành gỗ xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%. Dự báo, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ vượt mục tiêu 14 tỷ USD. Mặc dù vậy, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tính bền vững không cao.
Sáu tháng đầu năm 2021, ngành gỗ xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Nhiều yếu tố thuận lợi trong những tháng cuối năm
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong nửa đầu năm 2021 ngành gỗ tăng tốc, trong khi nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6 % so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ các loại 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; sản phẩm gỗ 6,35 tỷ USD, tăng 75,4%; lâm sản ngoài gỗ 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó: Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU 0,68 tỷ USD, tăng 54%, Hàn Quốc 0,76 tỷ USD, tăng 7%
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Như vậy, sáu tháng đầu năm 2021, ngành gỗ xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông lệ hằng năm, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào cuối năm, để đáp ứng cho việc hoàn thiện thị trường nhà ở. Tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm 2021. Nhu cầu được dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu vượt dịch và khởi sắc.
Kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của nhiều nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, Trung Quốc, EU… Đây cũng là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.
Do đó, trong nửa cuối năm 2021, các chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 vượt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD.
Tháo gỡ những rủi ro cho thị trường gỗ
Mặc dù vậy, qua phân tích số liệu sáu tháng đầu năm các chuyên gia cho rằng tình hình hoạt động xuất nhập khẩu lâm sản vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tính bền vững không cao.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm Nghiệp cho biết: Những rủi ro thương mại khi Mỹ đang điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ và điều tra thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán; Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang có những điều tra liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nhập khẩu nguyên phụ liệu phụ trợ phục vụ cho công tác chế biến hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những rủi ro về thương mại, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung giải quyết truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm. Trong đó, đối với các loại gỗ nhập khẩu theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tổng cục đang rà soát, đối chiếu giấy phép của nước xuất khẩu, đồng thời công bố công khai minh bạch giấy phép đã được cấp để doanh nghiệp và các quốc gia xuất khẩu gỗ nắm được. Tổng cục cũng khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ để sản xuất nhiều loại sản phẩm trong chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm…
Hiện, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
Chính vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đặc biệt chú ý trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Canada…rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu.