Các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ được tiêm vaccine COVID-19 hôm 18-12. Ảnh: CNN
Giám đốc FDA, ông Stephen Hahn khẳng định: “Với 2 loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có, FDA đã thực hiện một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này”. Với quyết định mới, khoảng 6 triệu vaccine Moderna sẽ được chuyển đến các địa phương của Mỹ để tiêm chủng ngay lập tức cho người dân.
Ngày 18-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã phê chuẩn lưu hành vaccine của Moderna dựa trên khuyến nghị của hội đồng chuyên gia gồm 21 thành viên. Trong thông báo ngày 19-12, hãng Moderna cho biết họ sẽ chuyển giao cho chính phủ Mỹ khoảng 20 triệu liều vaccine đến cuối năm nay và sẽ giao thêm tổng cộng 80-100 triệu liều nữa trong quý I đầu năm tới. Moderna đã ký các hợp đồng với chính phủ Mỹ cung cấp tổng cộng 200 triệu liều vaccine đến cuối tháng 6-2021.
Chính phủ Mỹ trước đó đã đặt mua 200 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và đang đàm phán mua thêm 100 triệu liều nữa.
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland) đã đồng loạt triển khai tiêm phòng vaccine Pfizer/BioNTech từ hôm 8-12. Nước Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và khoảng 317 triệu liều vaccine COVID-19 của các hãng khác.
Châu Âu đua với Mỹ, Anh
Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dự kiến cấp phép lưu hành cho vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 21-12 và Moderna vào đầu năm tới. Dư luận đang gây sức ép để Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19 nhằm bắt kịp Mỹ và Anh. EU dự định sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 vào ngày 27-12 tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ: “Đây là thời khắc của châu Âu. Vào ngày 27, 28 và 29-12 tới, chương trình tiêm chủng vaccine sẽ được khởi động trên khắp EU”. Theo hãng CNN, EC cam kết đảm bảo 2 tỉ liều vaccine để tiêm chủng 2 lần cho 448 triệu công dân EU và viện trợ cho các nước nghèo.
Hiện EU đã đặt mua 160 triệu liều vaccine của Moderna. Đồng thời, EU đang đàm phán mua 300 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech, 400 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca, 450 triệu liều vaccine Curevac, 400 triệu liều vaccine Johnson & Johnson, 200 triệu liều vaccine Novovax và 300 triệu liều vaccine GlaxoSmithKline/Sanofi. Trong số này, Đức đảm bảo 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 83 triệu dân của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tham vọng của Ấn Độ
Là quốc gia có tỷ lệ người mắc COVID-19 đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ đặt tham vọng tiêm chủng vaccine cho 300 triệu người, tức gần bằng dân số Mỹ, từ nay đến hết tháng 8-2021. Thủ tướng Narendra Modi xác định 300 triệu người được ưu tiên tiêm chủng vaccine trước gồm 30 triệu nhân viên y tế, cảnh sát, binh sĩ và tình nguyện viên; 270 triệu người dễ bị tổn thương là công dân trên 50 tuổi và những người đang mắc bệnh nặng. Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ đã phải đặt mua 600 triệu liều vaccine.
Việc triển khai chương trình vaccine lớn như vậy đối với một quốc gia đang phát triển có cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém và hệ thống y tế công thiếu thốn là một thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quốc gia 1,3 tỉ dân này có những lợi thế riêng. Ấn Độ là trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu, cung cấp 60% nhu cầu vaccine của thế giới. Dây chuyền sản xuất vaccine lớn của Ấn Độ được đánh giá là nhanh và rẻ nhất thế giới. Đây là một trong những quốc gia có chương trình tiêm chủng vaccine lớn nhất hành tinh với mỗi năm có 55 triệu người được thụ hưởng.
Hiện Ấn Độ đã ký thỏa thuận sản xuất khoảng 300 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga từ năm 2021. Trong khi đó, có 4 loại vaccine khác gồm Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech cùng Bharat Biotech và Covishield (Ấn Độ) xin cấp phép phê chuẩn khẩn cấp. Viện Serum Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết hiện mỗi tháng công ty này sản xuất 50-60 triệu liều vaccine Covishield và có thể tăng lên 100 triệu liều sau tháng 1 hoặc tháng 2-2021.
Tại các quốc gia châu Á khác, ngoài Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm chủng vaccine nội địa cho 50 triệu người trước Tết Nguyên đán, Hàn Quốc đã đặt mua 64 triệu liều vaccine của nhiều hãng quốc tế. Nhật Bản đã ký thỏa thuận mua 120 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech. Tuy chưa cấp phép lưu hành vaccine Pfizer/BioNTech, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn đặt mục tiêu tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân xứ hoa anh đào trong vòng 6 tháng đầu năm 2021.
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX - một sáng kiến được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng dịch COVID-19 cho các nước nghèo, đã tiếp cận được gần 2 tỉ liều vaccine với lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được phân phối trong quý I năm 2021. Tuy nhiên, việc tiếp nhận vaccine này phụ thuộc vào tiến trình phê chuẩn và khả năng phân phối của các nước.
ĐỨC TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)