Chủ nhật, 01/08/2021,19:52 (GMT+7)
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá
Cử lực lượng đông đảo nhất từ trước tới nay tranh tài tại một kỳ Olympic với 413 VĐV, thể thao Trung Quốc đặt mục tiêu duy nhất: Giành nhiều huy chương vàng nhất có thể, kể cả vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương tại Tokyo.
15 giờ ngày 24-7, nữ lực sĩ cử tạ Hou Zhi-hui bước lên bục huy chương ở vị trí cao nhất sau khi giành chiến thắng áp đảo hạng 49kg nữ. Cô đánh bại ứng viên nặng ký Mirabai Chanu Saikhom (Ấn Độ) ở ba nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử, giành HCV, đồng thời xô đổ cả ba kỷ lục Olympic.
 
Cô em út của đội tuyển cử tạ Trung Quốc đã có màn khởi động không thể ấn tượng hơn cho mục tiêu tranh chấp phân nửa tổng số bộ HCV tại Olympic Tokyo, cụ thể hơn là "càn quét" huy chương ở mọi nội dung mà họ tham gia thi đấu. Tính đến hết ngày 31-7, cử tạ Trung Quốc đã có 5 ngôi vô địch và thừa sức vượt qua chỉ tiêu giành 7/14 vị trí dẫn đầu khi vẫn còn đến 5 hạng cân chưa thi đấu.
 
Suốt 12 năm ròng rã, sáu ngày mỗi tuần và chỉ được nghỉ vài ngày lễ hàng năm, Hou Zhi-hui chỉ quanh quẩn bên phòng tập, chống chọi với những cơn đau gần như triền miên đến từ đòn tạ, những miếng tạ sắt đen sì cùng nhiệm vụ duy nhất: Phải nâng được khối tạ cao hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể tại Thế vận hội… Sự hy sinh của cô gái 24 tuổi đã được đền đáp và phát biểu đầu tiên sau khi nhận huy chương vàng của Hou Zhi-hui là: "Đội cử tạ Trung Quốc rất gắn kết và sự hỗ trợ từ toàn đội rất tốt".

Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 3.

Trung Quốc cử 413 VĐV tranh tài ở Olympic Tokyo
 
Câu chuyện của đội cử tạ không phải duy nhất bởi ở mọi đội tuyển thể thao của Trung Quốc, tất cả đều có chung một môtip. Gou Zhong-wen, người đứng đầu Ủy ban Olympic Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi phải đảm bảo việc trở thành những người đầu tiên giành được HCV và cũng sẽ là những người sau cùng làm được điều này, tại đại hội".
 
Cùng ngược dòng thời gian để nhìn lại hệ thống tuyển chọn nhân tài thể thao của Trung Quốc. Hàng chục nghìn trẻ em được đào tạo toàn thời gian tại hơn 2.000 trường thể thao, tất nhiên, do chính phủ điều hành. Để tối đa hóa mục tiêu trở thành cường quốc thể thao số 1 hành tinh, Trung Quốc tập trung vào các môn thể thao không thật sự hào nhoáng, không được phương Tây chú trọng đầu tư hoặc các môn thể thao được đánh giá là "mỏ huy chương vàng" tại đấu trường Olympic.
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 4.
Bóng bàn là môn thể thao giúp Trung Quốc thống trị thế giới
 
Không phải ngẫu nhiên mà gần 75% số HCV Olympic mà Trung Quốc giành được kể từ năm 1984 chỉ khoanh gọn trong 6 môn thể thao, gồm bóng bàn, bắn súng, lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Hơn 2/3 số HCV của thể thao Trung Quốc thuộc về phái nữ, và hẳn nhiên, gần 70% số lượng VĐV nước này tham dự Olympic Tokyo là nữ.
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 5.
Zhu Xue-ying và Liu Ling-ling giành HCV, HCB nội dung trampoline
 
Cử tạ nữ, môn thể thao lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic Sydney 2000, nhanh chóng được xác định là mục tiêu lý tưởng cho chiến lược giành HCV của thể thao Trung Quốc. Ở hầu hết các cường quốc thể thao, các VĐV cử tạ nữ phải cạnh tranh quyết liệt việc chen chân vào đội tuyển nhưng ở Trung Quốc, mỗi hạng cân đều có ít nhất 4 VĐV tiềm năng đủ sức đánh bại mọi đối thủ.
 
Nghịch lý có thật là ở Trung Quốc, cử tạ là môn thể thao không được dư luận quan tâm và 10 cô gái trẻ của tuyển cử tạ nước này khi được tuyển chọn tham gia tuyến năng khiếu từ chục năm về trước thật sự không biết gì về… cử tạ. Chỉ đến khi về trung tâm huấn luyện cử tạ ở Bắc Kinh, họ mới được giáo huấn rằng, việc nâng tạ là nghĩa vụ quốc gia.
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 6.
Tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc thua 3, thắng 1 ở vòng bảng
 
Hầu hết các quốc gia đều háo hức với vinh quang Olympic. Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Năm 1988, Trung Quốc giành được 5 HCV Olympic. Hai thập kỷ sau, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, chủ nhà Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để dẫn đầu bảng tổng sắp đại hội về số lượng HCV. Olympic London 2012 rồi Rio 2016 chỉ mang đến nỗi thất vọng khi Trung Quốc rớt lại phía sau các đối thủ truyền thống như Mỹ, Anh…
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 7.
Sun Yi-wen giành HCV kiếm 3 cạnh
 
Đó là lý do "cỗ máy sản xuất huy chương Olympic" của thể thao Trung Quốc tiếp tục vận hành với công suất không tưởng, cho dù tại chính quốc gia này, ngày càng nhiều gia đình tầng lớp trung lưu không muốn giao con cái cho Nhà nước để theo nghiệp thể thao. Một mặt thừa nhận các môn thể thao là của mọi người, mọi nhà, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi  kế hoạch đào tạo nhân tài ở các môn taekwondo, bơi xuồng, chèo thuyền… Nhiều VĐV ở độ tuổi thiếu nhi đã được cử đi học bắn cung, bắn súng, các cô gái nông thôn với sải tay dài được chuyển sang học bóng chuyền hay cử tạ.
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 8.
Yang Qian, 21 tuổi, HCV 10m súng trường hơi nữ
 
Không khó để nhận ra rằng thể thao Trung Quốc tập trung đầu tư vào các môn thể thao có thể được hoàn thiện bằng các thói quen, động tác thành thạo được lặp đi lặp lại hàng ngày thay vì các môn tập thể có sự tác động lẫn nhau khó đoán trước của nhiều VĐV. Ngoài bóng chuyền nữ, Trung Quốc chưa bao giờ giành HCV Olympic ở các môn thể thao đồng đội.
 
Tại Olympic Tokyo, thể thao Trung Quốc tính đến hết ngày 31-7 đã giành được tổng cộng 21 HCV, vượt qua cả Mỹ lẫn chủ nhà Nhật Bản để dẫn đầu bảng tổng sắp. Cần nhớ, các môn thể thao mà Trung Quốc thống trị được tập trung trong tuần đầu tiên của Thế vận hội, trong khi thế mạnh của Hoa Kỳ được trải rộng cho đến những ngày cuối.
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 9.
Xu Xin – Liu Shi-wen vuột HCV bóng bàn đôi nam nũ
 
Ngoài ra, ở một số thành trì truyền thống của thể thao Trung Quốc như bóng bàn, lặn hay cử tạ, hy vọng giành vàng đã không thành hiện thực. Bóng bàn "vuột" HCV đôi nam nữ ngay lần đầu tiên nội dung này được đưa vào thi đấu. Ở môn cử tạ, đương kim vô địch thế giới hạng 55 kg Liao Qui-yun bất ngờ để thua đối thủ người Philippines Hidilyn Diaz (nữ lực sĩ gây xôn xao dư luận với 600.000 USD tiền thưởng và hai căn hộ do giành được HCV). 
Thể thao Trung Quốc: Giành huy chương Olympic bằng mọi giá - Ảnh 10.
Liao Qui-yun (trái) thất bại ở cử tạ hạng 55kg nữ
 
Sau thất bại, nữ lực sĩ 26 tuổi Liao Qui-yun khóc nức nở trong vòng tay HLV. "Tôi đã cố gắng hết sức mình" cô nói, nước mắt lại chảy dài trong nỗi đau tinh thần lẫn cơ thể với vô số chấn thương trong hơn 10 năm tập luyện. Nhưng không giống như Simone Biles hay Naomi Osaka, những ngôi sao Olympic từng nói về căng thẳng cảm xúc với quá nhiều áp lực, Liao không đề cập đến những tổn hại về tinh thần về những gì cô ấy đã làm, ngày này qua ngày khác, kể từ khi còn là một cô bé. 
 
Đại hội thể thao toàn Trung Quốc sắp diễn ra, Liao sẽ lại đại diện cho tỉnh Hồ Nam quê hương ra sàn đấu quốc gia. Thế vận hội đã kết thúc nhưng cô vẫn còn bộn bề công việc phải làm trước khi nghĩ đến Olympic Paris sau 3 năm nữa.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu