Thứ tư, 17/10/2018,09:55 (GMT+7)
Thi không vì "2 mục đích": Trở tay không kịp!
Trước thông tin kỳ thi THPT quốc gia sẽ không vì 2 mục đích mà chỉ phục vụ tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH đang lúng túng trong việc tìm ra phương án xét tuyển khiến học sinh lớp 12 lo lắng

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 nhằm thay thế kỳ thi 3 chung. Tại thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ca ngợi kỳ thi THPT quốc gia có ưu điểm là giảm áp lực và tốn kém khi chỉ còn 1 kỳ thi thay thế cho 4 kỳ thi trước đó (thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH (2 đợt) và thi CĐ). Sau 4 năm, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường xét tuyển ĐH.

Liên tục điều chỉnh rồi phá sản?

Trong 4 năm tổ chức, đề thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT xây dựng với mức độ khó, dễ khác nhau. Năm 2017, kết quả chấm thi môn toán chứng kiến mưa điểm 10 bởi đề thi được đánh giá là dễ thì năm 2018, điểm 10 chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay bởi đề thi có một hai câu cực khó. Trong phương án xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT cho biết đề thi xây dựng theo hướng từ dễ đến khó, được thiết kế 60% phục vụ xét tốt nghiệp, 40% còn lại phân hóa cho mục đích xét tuyển ĐH.

Báo cáo kiểm tra về kỳ thi THPT quốc gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế trong công tác đề thi, trong đó có việc đề thi khó đáp ứng 2 mục tiêu. Giải trình tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2019, đề thi chỉ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo giới về kỳ thi THPT quốc gia 2019 mới đây, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định Bộ GD-ĐT không thiết kế đề thi cho đồng thời 2 mục đích mà chỉ phục vụ xét tốt nghiệp bởi các trường đã được tự chủ trong phương án tuyển sinh. Sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH hay không là tùy trường. Một khi kỳ thi còn được tin cậy thì các trường vẫn có thể sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH kết hợp các phương thức xét tuyển khác.

Từ 4 kỳ thi cho nhiều mục tiêu gom còn 1 kỳ thi đáp ứng cho 2 mục tiêu tưởng đã ưu việt, nay xem như phá sản.

Thi không vì 2 mục đích: Trở tay không kịp! - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Khó tổ chức thi riêng

Trong kỳ tuyển sinh 2018, ĐHQG TP HCM lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên xét tuyển với tỉ lệ 10%-15%; Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) và Trường ĐH Luật TP HCM đã 2 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho biết năm 2019 vẫn duy trì kỳ thi này. Còn các trường khác thì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng bất kỳ một thay đổi gì về chính sách cũng cần có lộ trình để các trường chuẩn bị. Bộ từng thông tin kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020, vậy mà nay bộ thông báo đề thi THPT quốc gia 2019 chỉ phục vụ xét tốt nghiệp khiến các trường trở tay không kịp.

"Đề thi xét tốt nghiệp và đề thi để xét tuyển ĐH có những yêu cầu khác nhau. Vậy nên sẽ không phù hợp khi sử dụng đề thi xét tốt nghiệp để xét tuyển ĐH" - ông Đương nói.

Ông Đương cho biết năm 2019, Trường ĐH Kinh tế TP HCM không có phương án tổ chức thi riêng mà vẫn xét tuyển ĐH từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia vì "cơm ngon hay cơm dở cũng phải ăn".

Theo TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trường này vẫn chưa có phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh 2019. Trước đây, khi kỳ thi THPT quốc gia còn phục vụ 2 mục tiêu thì cũng phù hợp cho tuyển sinh nhưng nay chỉ còn 1 mục tiêu thì trường cũng đang tính đến một số phương án như kết hợp với học bạ để xét tuyển hoặc liên kết với các trường có kỳ thi đánh giá năng lực… "Việc tổ chức thi riêng không đơn giản, cần sự chuẩn bị kỹ càng. Hơn nữa, nếu trường nào cũng thi riêng thì quay lại thi như trước kia càng phức tạp, chưa chắc đã hiệu quả mà làm xáo trộn việc học của học sinh" - ông Minh nói.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, thừa nhận do đang đợi công văn chính thức từ Bộ GD-ĐT nên phòng đào tạo chưa họp với ban giám hiệu trường để chọn phương án tuyển sinh. Ông nói rằng nếu kỳ thi 2019 được chỉ đạo sát sao để bảo đảm công tâm, minh bạch, nhiều khả năng trường vẫn tiếp tục lấy kết quả để xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM mùa tuyển sinh năm sau có thể mở rộng các phương án xét tuyển khác như xét học sinh giỏi trường chuyên…

Về việc trường có nên tổ chức một kỳ thi riêng, TS Nhân nhận định để tổ chức kỳ thi riêng trong thời điểm gấp rút là điều hết sức khó khăn, lại tốn tiền của, công sức của thí sinh. Đặc biệt, để có được ngân hàng đề thi bảo đảm là điều nan giải của các trường nếu muốn đứng ra tổ chức. "Không phải trường nào cũng đủ lực xây dựng ngân hàng đề thi bảo đảm, chưa kể tổ chức một cuộc thi riêng tốn rất nhiều công sức, tiền bạc" - TS Nhân nói.

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho hay trường vẫn chưa tính đến phương án tuyển sinh. Theo TS Sơn, sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT xem kỳ thi liệu chính thức còn là 2 trong 1 không, trường sẽ lập hội đồng bàn về phương án tuyển sinh cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất. 

Đẩy trách nhiệm về phía trường

Một chuyên gia tuyển sinh nhận định việc Bộ GD-ĐT tuyên bố kỳ thi THPT quốc gia 2019 là để mục đích xét tốt nghiệp THPT là nhằm đánh lạc hướng dư luận, còn bản chất sẽ không thay đổi. "Khi được coi là kỳ thi THPT chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp, dư luận sẽ không quá đặt nặng, cũng không "ném đá" đề thi quá dễ hay quá khó cũng như quá dài hay quá ngắn… như những năm qua. Và "quả bóng" trách nhiệm cũng theo đó được chuyền về phía các trường, vì bây giờ dùng kết quả xét tuyển hay không là quyền của các anh!" - chuyên gia này nói.

Nguồn: Huy Lân - Lê Thoa - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu