Thứ sáu, 22/11/2019,10:49 (GMT+7)
Thị trường bán lẻ và xuất khẩu: Chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm
Vào thời điểm này, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm. Vì vậy, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, xuất khẩu phát triển sôi động.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank - chi nhánh Bạc Liêu.
Bán hàng lưu động ở huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D
Hoạt động thương mại và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng. Trong 10 tháng của năm 2019, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ hơn 56.092 tỷ đồng, bằng 84,99% kế hoạch và tăng 13,98% so với cùng kỳ.
 
Thị trường bán lẻ tăng trưởng cao là nhờ các siêu thị, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng; hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cạnh tranh… Cùng với đó, trong tháng 10 và tháng 11/2019, nhiều hệ thống bán lẻ ở các địa phương phát triển mới như: hệ thống Siêu thị Bách hóa xanh, hệ thống cửa hàng Vinmart+…
 
Về hoạt động xuất khẩu, phần lớn các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh thu mua, chế biến nhằm chủ động nguồn hàng cung cấp cho thị trường châu Âu vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2020. Tổng giá trị hàng hàng hóa xuất khẩu từ đầu năm đến nay hơn 600 triệu USD, tăng  trên 13% so với cùng kỳ.
 
Với sự phát triển của thị trường tiêu thụ và đà tăng trưởng này, theo dự báo của ngành Công thương tỉnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm nay sẽ đạt 66.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm 2018. Đồng thời xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu cả năm hơn 700 triệu USD, tăng trên 16% so với năm 2018.
 
Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần được ngành Quản lý  thị trường quan tâm là công tác quản lý, nhất là quản lý về thị trường bán lẻ. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, vào thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài tỉnh đến địa phương tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức kinh doanh như: hội chợ thương mại, bán hàng lưu động, tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn…
 
Ngoài những doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp “núp bóng” chương trình hàng Việt để bán hàng kém chất lượng, xem thị trường nông thôn là khu vực “xả hàng”, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, bán hàng quá hạn sử dụng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chưa qua kiểm định về chất lượng tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Bên cạnh tăng cường công tác quản lý về thị trường, ngành Công thương và các ngành, địa phương trong tỉnh cũng cần làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, phát huy tốt các chương trình hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng thông qua cho vay sản xuất, dự trữ hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá vào dịp cuối năm.
 
Có một tin vui là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất huy động và cho vay; quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, mức lãi suất các ngân hàng cho vay tối đa đối với những cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này là 6%/năm, thay vì 6,5% như trước đây.
 
Thực hiện chỉ đạo trên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay từ ngày 19/11/2019. Nhiều ngân hàng cũng đã đầu tư vốn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có vốn phục vụ cho thị trường cuối năm. Điển hình là Vietcombank - ngân hàng đầu tiên tuyên bố giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng Việt Nam đồng của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm.
 
Với sự đồng hành, chia sẻ khó khăn và sự tăng cường quản lý, hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt hiệu quả cao.
KIM TRUNG - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu