Thứ ba, 19/11/2019,09:03 (GMT+7)
Thị trường cuối năm: Không để thiếu hàng, sốt giá
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương sẽ tập trung kiểm soát thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu, thực hiện các giải pháp bình ổn...
 
Đảm bảo nguồn hàng, ổn định giá cả
Đảm bảo cho nguồn cung hàng hóa cuối năm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
thi truong cuoi nam khong de thieu hang sot gia
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước và sau Tết
Về phía các địa phương, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và khả năng tự cung ứng địa phương, các tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân.
 
Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường Tết là hơn 7.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước và sau Tết.
 
Theo Sở Công thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố đạt trên 31.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch.
 
Có thể nhập khẩu thịt lợn cho Tết Nguyên đán 2020
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, lên trên mốc kỷ lục 70.000 đồng/kg, bộ đã tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...
 
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2020, hai bộ thống nhất, xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung thịt trong nước và nhằm hạn chế việc tăng giá mặt hàng này trong những tháng cuối năm.
 
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc có phương án đảm bảo mặt hàng thịt lợn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu.
 
Địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân dùng sản phẩm thay thế thịt lợn hoặc sử dụng thịt lợn đông lạnh để giảm sức ép trong nước.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ công tác bình ổn.
 
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Nguyễn Mai link - (congthuong.vn)
T/h: Y Phương - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu