Theo đánh giá của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu 2020 tại ĐBSCL xuống giống 1,5 triệu ha, vụ lúa này sau khi cân đối nguồn cung trong nước còn khoảng 2,5 triệu tấn gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Hiện nay, thị trường lúa gạo đang có nhiều triển vọng, giá bán từ đầu năm đến nay tăng so với cùng kỳ, dự báo trong thời gian tới có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục tăng cường mua gạo để dự trữ và khi đó giá gạo sẽ nhích lên.
Tín hiệu vui đối với người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL
Ông Bùi Văn Sơn, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn lúa gạo Việt Nam cho biết, giá lương thực tươi ở ngoài đồng đến giá xuất khẩu cho các đối tác đều tốt hơn mọi năm. Đây là tín hiệu vui của người dân và doanh nghiệp khi thị trường xuất khẩu gạo ổn định, giá bán cao hơn so với cùng kỳ.
Theo ông Sơn, thị trường lúa gạo khởi sắc một phần do cơ cấu giống của các địa phương tập trung vào những giống chất lượng cao, đặc sản, đây là yếu tố quan trọng khi đi theo phân khúc thị trường của các đối tác.
Từ đầu năm đến nay thị trường xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc, gián bán ổn định.
Ông Bùi Văn Sơn nhận định, từ nay đến cuối năm tình hình xuất khẩu gạo còn nhiều khởi sắc khi một số nước đang tập trung mua dự trữ, theo đó giá bán tiếp tục tăng, người dân có lãi, doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu ổn định.
“Tình hình xuất khẩu lúa gạo hiện nay ở Việt Nam, cụ thể ở Đồng bằng phát triển tốt, thuận lợi, giá bán với đối tác nước ngoài tốt hơn mọi năm rất là nhiều. Giống lúa mà những năm trước khoảng 5.000 đồng/kg thì năm nay cũng cao hơn khoảng 800 đồng/kg so với cùng kỳ, đó là tín hiệu đáng mừng”, ông Bùi Văn Sơn nói.
Giá gạo cao nhất trong vòng 10 năm qua
Từ đầu tháng 5, sau khi lệnh ngưng xuất khẩu gạo được tháo gỡ, giá gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ở mức cao. Cách đây 1 tuần, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Tiền Giang bán cho thị trường ngoài nước với giá cao nhất trong vòng 10 năm qua. Gạo thơm có giá từ 480 - 640 USD/ tấn. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, thị trường xuất khẩu gạo bị chậm lại, nhất là phía Trung Quốc và Philipines tạm ngưng nhập khẩu gạo, so với tuần trước, giá giảm từ 7-8%.
Ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt, tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cho biết, đến nay lượng gạo vụ Đông Xuân đã bán xong. Ở thời điểm này, vùng ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, trong khi đó ở Thái Lan cũng thu hoạch lúa nên thị trường gạo thế giới đang bị chựng lại, giá gạo xuất khẩu giảm.
“Gạo 50404 giảm mấy trăm đồng/kg, gạo Đài thơm do nhu cầu thế giới cũng đang chững lại. Bữa hôm trước, giá gạo có lên do gạo 50404 Đông Xuân chất lượng trong, còn bây giờ vô vụ hè thu nó đục như nếp vậy nên giá giảm. Giá giảm do thị trường thế giới đang chững lại. Hàng thì bán ra rồi nhưng cũng đang chờ đợi vì chưa có hợp đồng mà mua giá này thì bán ra sợ bán lỗ nên chưa dám mua vô”, ông Võ Quốc Hưng cho hay.
Giá xuất khẩu gạo cao nhất trong 10 năm qua.
Bà Bùi Thị Nữ, chủ doanh nghiệp Tấn Vinh, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - chuyên thu mua lúa gạo tiêu thụ nội địa cho biết, hiện nay thị trường lúa gạo đang dậm chân tại chỗ. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người mua gạo dự trữ nên hiện nay thị trường gạo nội địa cũng tiêu thụ chậm, thậm chí gạo 50404 giảm 500 đồng/kg, gạo Đài Thơm bị chựng lại. Đối với lúa Hè Thu thì ở mức cao hơn năm ngoái.
“Gạo Đài thơm hôm trước được trả giá 11.500 đồng/kg không bán, nay có 10.800 đồng/kg. Lúa nay cũng rẻ nữa, còn 7.300 đồng/kg (lúa khô), hôm trước giá 7.500 đồng/kg mà không bán. Hiện giờ bán nội địa là chủ yếu, lúa mới năm nay đắt, nhà nông trúng mùa. Lúa mới có giá từ 5.500 - 5.600 đồng/kg”, bà Bùi Thị Nữ chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ Nguyễn Minh Toại, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi, giá bán cao hơn so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu ổn định là do những hợp đồng đã ký kết trước đó, còn hiện tại các doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán với đối tác về giá bán.
“Thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng xuất khẩu tốt do đã ký hợp đồng từ đầu năm. Sau khi ngưng và quay trở lại, giá lúa trong nước cũng tăng cao”, ông Toại thông tin.
Xuất khẩu ổn định, tín hiệu vui đối với người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, hiện nay, giá xuất khẩu gạo bình quân của mặt hàng trong tháng 5 của tỉnh An Giang đạt 542 USD/tấn, mức giá này tăng 36 USD/tấn so với tháng 1 và tăng 32 USD/tấn so
với cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm nay có nhiều thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng, đây là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu gạo của địa phương bù đắp cho sự sụt giảm các ngành hàng khác. Theo dự báo, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm của địa phương là hơn 264.000 tấn, đạt gần 139 triệu USD, tăng 4,93% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu, giá lúa tươi cao so với vụ trước. Ông Nguyễn Tâm Nọt, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết: “Nhà tôi trồng khoảng 2 ha lúa, hiện nay đang thu hoạch, giá lúa tươi 50404 là 5.700 đồng, còn 5451 là 5.600 đồng, giá cao hơn vụ trước, giá vụ trước chỉ có 4.600 đồng, hiện nay giá lúa cao hơn hồi đầu năm là 200 đồng/kg; jasmine khô thì 7.500 đồng”.
Giá bán tăng so với cùng kỳ, thị trường xuất khẩu ổn định đang là niềm vui đối với người dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL khi nơi đây đang đóng góp phần lớn vào xuất khẩu gạo của cả nước.
Giá bán tăng một phần do các nước tập trung mua dự trữ, phần còn lại chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng tăng khi cơ cấu giống tập trung vào các giống chất lượng, đặc sản để phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu./.
Nhóm PV - (vov.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)