Thứ tư, 22/06/2022,10:30 (GMT+7)
Thời cơ mới cho ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng với việc tích cực triển khai quy hoạch vùng, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ
 
Sáng 21-6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030.
 
Đầu tư 460.000 tỉ đồng cho vùng
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL nghiên cứu xây dựng Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg. Quy hoạch này là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch.
 
Tầm nhìn và mục tiêu của quy hoạch là phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư. Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý và vốn ngân sách nhà nước đầu tư để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 460.000 tỉ đồng.
 
Đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định với việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ,… nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn, thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
 
Trong khi đó, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, góp ý quy hoạch vùng ĐBSCL cần đi kèm với một chương trình hành động, trong đó xác định rõ ràng các ưu tiên đầu tư. Đi đôi với đó là đơn giản hóa quy trình phê duyệt để nâng cao tính sẵn sàng, bảo đảm quyền làm chủ cũng như trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án ưu tiên.
 
Đồng tình với sự cần thiết quy hoạch vùng ĐBSCL, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan, khẳng định Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố các khu vực ven biển của ĐBSCL và tăng khả năng chống chịu của người dân nơi đây.
 
Thời cơ mới cho ĐBSCL - Ảnh 1.
Thủ tướng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người vùng ĐBSCL nhân dịp dự hội nghị
 
ĐBSCL được ưu tiên cao nhất
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị này và các hoạt động liên quan có ý nghĩa quan trọng, mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
 
Thủ tướng khẳng định những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu… 
 
Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng có cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ - trung tâm của vùng, gồm: Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
 
"Chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ĐBSCL là hết sức đầy đủ, tập trung. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tổ chức thực hiện làm sao để chủ trương, chính sách đó có hiệu quả nhất để phát triển ĐBSCL, mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân" - Thủ tướng gợi mở.
 
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá để phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Đó là: Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế biển, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, giáo dục, y tế, chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. 
 
Thủ tướng nhấn mạnh: "Các địa phương cần tích cực triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; triển khai quy hoạch phù hợp với tình hình từng địa phương và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực".
 
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. 
 
Sẽ có 400 km đường cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay ĐBSCL mới có 90 km đường cao tốc và đang triển khai 30 km. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này đã bố trí vốn đầu tư 400 km đường cao tốc kết nối TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau và hình thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến An Hữu - Cao Lãnh - Rạch Giá. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kỳ vọng trong một vài năm tới, với việc đầu tư mạnh hạ tầng giao thông trong vùng, khu vực ĐBSCL sẽ phát triển nhanh, trở thành một trong những cực tăng trưởng lớn của cả nước.
 
Bài và ảnh: Ca Linh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu