Thứ tư, 17/10/2018,14:04 (GMT+7)
Thời gian làm việc hợp lý giúp nâng cao tuổi thọ
Các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Langone Đại học New York (Mỹ) cho biết làm việc nhiều hơn 8 giờ/ngày (40 giờ/tuần) dễ dẫn tới nhiều hệ lụy đối với sức khỏe tổng thể và kéo giảm tuổi thọ, đặc biệt là ở những người thường xuyên tăng ca hoặc làm việc liên tục trong thời gian dài. Trong khi đó, quản lý thời gian làm việc hợp lý có thể giúp cải thiện tuổi thọ, theo những cách như sau:

Giảm stress

Theo nhà nghiên cứu Christian Benedict tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), thời gian làm việc lâu hơn làm tăng nguy cơ bị stress và các triệu chứng trầm cảm - đều có hại cho sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu tiến hành trên 2.960 người làm việc toàn thời gian (từ 44 đến 66 tuổi) cho thấy, làm việc hơn 55 tiếng/tuần là yếu tố dự báo các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Theo đó, so với nhóm làm việc từ 35-40 tiếng/tuần, nhóm làm việc hơn 55 tiếng/tuần tăng gấp 1,66 lần nguy cơ trầm cảm và gấp 1,74 lần nguy cơ lo âu.

Dành thêm thời gian bên người thân cũng giúp nâng cao sức khỏe và tuổi thọ. Ảnh: Family Inc

“Nếu làm việc cả ngày, bạn không có thời gian để tâm đến những mối lo của bản thân cho đến khi đi ngủ. Nhưng lên giường với nhiều lo lắng trong đầu là điều tồi tệ nhất đối với giấc ngủ, bởi stress và lo âu khiến khó chợp mắt và ngủ say” - ông Benedict cho biết.

Có thời gian ngủ để phục hồi thể lực và trí lực

Khi ngủ, bạn bước vào một quá trình sinh học mà trong đó một số hoóc-môn nhất định được giải phóng để phục hồi tế bào, đảm bảo cơ thể và não bộ hoạt động tốt vào ngày kế tiếp. Trong suốt giấc ngủ, bộ não sẽ loại bỏ các chất phế thải do chuyển hóa được tích lũy trong thời gian tỉnh táo - hoạt động quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe của não bộ. Trái lại, thời gian làm việc kéo dài và ngủ ít đi dễ dẫn tới làm việc kém hiệu quả, giảm trí nhớ, giảm tỉnh táo và thiếu tập trung, không có khả năng xử lý thông tin mới và các vấn đề về phán đoán.  

Ngoài ra, ngủ ít hơn thời gian khuyến nghị (tối thiểu 7 giờ/đêm) còn được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ chết sớm. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Sleep chỉ ra rằng những người giảm thời gian ngủ từ 7 tiếng xuống còn 5 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có gấp đôi nguy cơ tử vong vì tất cả nguyên nhân.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Theo nghiên cứu tiến hành trên 22.518 người công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ, nguy cơ bị bệnh tim mạch vành tăng 40% ở nhóm làm việc liên tục nhiều giờ, cũng như ở người làm hơn 50 tiếng/tuần hoặc hơn 10 tiếng/ngày.

Theo chuyên gia Seixas, việc kéo dài thời gian làm việc khiến người ta ngủ ít hơn, không chỉ làm tăng nguy cơ bị béo phì, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, mà còn dễ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa và tim mạch, cũng như các vấn đề xương-cơ như đau lưng và cổ, đau đầu và vấn đề thị lực.

Có thêm thời gian gần gũi người thân, bạn bè

Nói chung, khi quản lý tốt giờ làm, bạn có thêm thời gian dành cho gia đình và tham gia các hoạt động giúp tăng cường sức khỏe, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè. Việc gắn kết với những người thân yêu còn giúp chống lại nỗi cô đơn - yếu tố được phát hiện là bất lợi cho tuổi thọ. Đơn cử, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí y học JAMA cho thấy trong số 1.604 người tham gia trên 60 tuổi, cô đơn là yếu tố dự báo tình trạng suy giảm chức năng và chết sớm. Cụ thể là trong thời gian theo dõi 6 năm, 22,8% số người sống trong sự cô đơn đã tử vong trong khi tỷ lệ này ở nhóm hay tương tác với người thân, bạn bè chỉ có 14,2%. 

Nguồn: AN NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu